Quy mô công tác từ thiện trong lĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai (QLRRTT) ở Việt Nam còn nhỏ, thường tiến hành khẩn cấp và rầm rộ sau khi thiên tai xảy ra, chứ không phải là công việc thường xuyên và được lập kế hoạch cụ thể. Và vì thế, từ thiện trong lĩnh vực này, cho đến nay, mang tính chất hỗ trợ khi hoạn nạn, khó khăn chứ chưa có đủ nguồn để xây dựng các chương trình phát triển cộng đồng, các chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo, giáo dục mang tính chất phòng ngừa.
Kế hoạch hỗ trợ cộng đồng trong thiên tai cần phải xây dựng ngay từ khi lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó với thiên tai của doanh nghiệp và cần phải lập kế hoạch hỗ trợ theo hai giai đoạn: i) hỗ trợ khẩn cấp (tiền mặt hoặc hiện vật); và ii) hỗ trợ khắc phục hậu quả lâu dài hoặc hỗ trợ các hoạt động ứng phó, phòng chống trước khi thiên tai xảy ra. Kế hoạch này sẽ hiệu quả hơn nếu nó là một phần trong chiến lược thực hiện trách nhiệm xã hội (TNXH) tổng thể của doanh nghiệp. Hoặc ít nhất cũng phải là một phần của kế hoạch phòng ngừa và ứng phó thiên tai của chính các doanh nghiệp.
Mặc dù ở Việt Nam đã có nhiều tổ chức thực hiện nhiệm vụ cứu trợ thiên tai, nhưng ít có tổ chức quan tâm đến hướng dẫn hay cung cấp các thông tin liên quan đến hỗ trợ cho cộng đồng một cách hiệu quả. Truyền thông Việt Nam từ trước đến nay cũng chỉ quan tâm đến các hỗ trợ khẩn cấp sau thiên tai, chứ chưa quan tâm đúng mức đến những hoạt động hỗ trợ cộng đồng trước khi thiên tai xảy ra.
Hiện nay, các tổ chức vận động hỗ trợ thiên tai và phương tiện truyền thông thường tập trung vào việc đưa tin về thiệt hại thiên tai. Vì vậy hầu hết các doanh nghiệp và người lao động chỉ tập trung hỗ trợ thiệt hại thiên tai gây ra trong vòng 10 – 15 ngày sau khi xảy ra thiên tai. Những hoạt động hỗ trợ và phục hồi sau đó chưa thu hút được sự quan tâm và đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cho đến khi xảy ra những rủi ro thiên tai tiếp theo.
Nếu doanh nghiệp thực sự muốn huy động sự hỗ trợ hiệu quả từ khách hàng và nhân viên của doanh nghiệp đến với nạn nhân hoặc các đơn vị, cộng đồng bị thiệt hại do thiên tai thì chắc chắn doanh nghiệp phải lập kế hoạch từ trước khi thiên tai xảy ra.
Chính vì vậy mà kế hoạch hỗ trợ cộng đồng của doanh nghiệp cần phải được lập từ khi xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó và cần phải lập kế hoạch hỗ trợ cộng đồng theo hai giai đoạn:
- Lập kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp bằng tiền mặt hoặc hoặc hiện vật (đồ dùng thiết yếu) ngay sau thiên tai
- Hãy dành những hoạt động hỗ trợ tình nguyện vào những tuần và những tháng tiếp theo sau thiên tai, khi những nhu cầu thiết yếu đã qua đi và khi đó các tổ chức cũng như cộng đồng đã có thời gian để lập những kế hoạch hoặc những dự án hỗ trợ cụ thể.