Ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam

BY ON 04-01-2017 IN Câu lạc bộ giảng viên DRM, Tin liên quan, Tin tức Comments Off

Vào ngày 15/12/2016, hội nghị về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi ứng phó với biến đổi khí hậu đã được tổ chức tại Đà Nẵng với 80 đại biểu từ các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và trường Đại học tham gia.

Thách thức của các doanh nghiệp khi biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ tại Việt Nam

“Dựa trên số liệu khảo sát, có số lượng rất lớn các doanh nghiệp không có kế hoạch để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam hiện nay các doanh nghiệp đã được hỗ trợ từ phía nhà nước khi đầu tư vào các vùng chịu tác động của thiên tai nhưng nhìn chung sự hỗ trợ này vẫn chưa nhiều và doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thủ tục khi tiếp cận các gói hỗ trợ của chính quyền.” - ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI chia sẻ.

 Theo báo cáo của Ủy ban liên Chính phủ về  tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam,  Việt Nam có thể chịu tác động bởi thiên tai trong 10 năm, đe dọa an ninh lương thực, thiếu nước ở một số vùng và thu hẹp thị trường do các rào cản quốc tế mới.

Những sáng kiến của doanh nghiệp trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu

Tại Đà Nẵng đã có 4 dự án nổi bật, hứa hẹn sẽ đạt được nhiều kết quả to lớn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu như Chương trình Sáng kiến mới do Rockerfeller tài trợ (2015-2017); Dự án “Thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả trong công trình, tòa nhà” do Viện Tài nguyên Thế giới tài trợ (2016-2017); Dự án “Conculator 2050” do Đại sứ quán Anh tài trợ (2016-2017); Chiến lược của thành phố về chống chịu với BĐKH do UBND TP triển khai.

Nói về những sáng kiến của doanh nghiệp trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Võ Xuân Thu – Giám đốc công ty cổ phần Thép tiền chế Thanh Thu chia sẻ “ Trong cơn bão Xangxen, tuy doanh nghiệp của tôi có bị thiệt hại nặng nề về nhà xưởng, nhưng nhờ có việc mua bảo hiểm nên mọi chi phí sửa chữa và kiên cố nhà xưởng đã được hỗ trợ rất nhiều.” Theo ông, các doanh nghiệp nên đầu tư nhiều vào xây dựng kiên cố nhà xưởng, phòng chống thiên tai. Hơn nữa, các doanh nghiệp nên hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài có kĩ thuật tiên tiến trong việc xây dựng các công trình thích nghi với biến đổi khí hậu và thiên tai để học hỏi công nghệ.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc – Giám đốc NEDCEN cho biết “Thiên tai và biến đổi khí hậu xảy ra ngày càng khắc nghiệt và không theo bất kì quy luật nào. Đã có nhiều cố gắng trong công tác phổ biến về rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp tiếp cận được các thông tin này còn hạn chế và chưa được doanh nghiệp quan tâm đầy đủ. Chính phủ cần phải có những chính sách quan tâm và hỗ trợ cho các doanh nghiệp.”

Đề cương sách trắng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu

Hội nghị đã đưa ra được những thảo luận của các chuyên gia về đề cương sách trắng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Cuốn sách được ra đời là công cụ để tiếp cận với cơ quan quản lý nhà nước với nội dung gồm tất cả các thông tin về biến đổi khí hậu tại Việt Nam dưới góc độ của doanh nghiệp, nhằm phổ biến kiến thức và đưa ra giải pháp đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai.

Diễn đàn đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các doanh nghiệp khi được cung cấp thông tin hữu ích, có số liệu dẫn chứng theo kèm. Ngoài ra đây cũng là dịp để chính quyền địa phương ghi nhận những phản hồi từ doanh nghiệp về các chính sách ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai đã ban hành nhằm đưa ra các giải pháp kịp thời hỗ trợ giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp.

Để xem thêm những hình ảnh khác của hội nghị xin vui lòng xem tại đây