Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (TNXHDN) là cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển bền vững thông qua việc cân bằng ba yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Thực hiện tốt trách nhiệm xã hội (TNXH) mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội. Hoạt động từ thiện là một phần TNXH của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility – CSR), chính vì vậy các hoạt động này sẽ hiệu quả hơn nếu đó là một phần trong chiến lược thực hiện TNXH tổng thể của doanh nghiệp.
TNXH được giới thiệu vào Việt Nam thông qua các công ty nước ngoài, các công ty này thường có các hoạt động TNXH rất cụ thể và hiệu quả. Các doanh nghiệp trong nước, các công ty xuất khẩu có lẽ là đối tượng đầu tiên tiếp cận với TNXHDN, vì hầu hết các đơn hàng từ châu Âu – Mỹ – Nhật đều đòi hỏi các doanh nghiệp phải áp dụng chế độ lao động tốt (tiêu chuẩn SA8000[1]) hay đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (nhất là đối với các công ty chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản)… Nhiều công ty trong nước hiện nay cũng rất quan tâm và chủ động thực hiện TNXHDN tạo hình ảnh tốt đối với công chúng như các tập đoàn Mai Linh, Duy Lợi, Ngân hàng Cổ phần Thương mại Á Châu, Tân Hiệp Phát…
Mặc dù, TNXHDN đã được giới thiệu và đưa đến các doanh nghiệp Việt Nam từ năm 2005, nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào những doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và thường chỉ chú ý đến lĩnh vực lao động. Gần đây có nhiều doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến công tác bảo vệ môi trường. Nhưng TNXHDN trong lĩnh vực QLRRTT vẫn ít được quan tâm.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn coi nhẹ trách nhiệm xã hội mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu hành lang pháp lý, chưa có luật hay quy định pháp lý cần phải thực hiện mà chỉ có các doanh nghiệp lớn, có thị trường xuất khẩu, do yêu cầu của khách hàng nên họ buộc phải thực hiện trách nhiệm xã hội còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì do thiếu ràng buộc về pháp lý, nên đa số các doanh nghiệp không thực hiện. Trong khi đó có tới 95% doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Mặt khác, sự hiểu biết chưa đầy đủ của doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Thực tế có nhiều doanh nghiệp cho rằng, thực hiện trách nhiệm xã hội chỉ là tham gia giải quyết các vấn đề xã hội mang tính nhân đạo, từ thiện. Hầu hết các Doanh nghiệp đều cho rằng việc thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ làm tăng chi phí cho
doanh nghiệp, chưa có ngay lợi ích trước mắt, do đó các doanh nghiệp không quan tâm đến thực hiện trách nhiệm xã hội. Chính vì vậy, nâng cao hiểu biết và phổ biến các thực tiễn tốt liên quan TNXHDN trong lĩnh vực QLRRTT và các hoạt động hỗ trợ cộng đồng trong lĩnh vực này.
Trong lĩnh vực QLRRTT, TNXH của doanh nghiệp thể hiện ở hai khía cạnh sau:
Vận hành của doanh nghiệp: Một doanh nghiệp vận hành một cách có trách nhiệm sẽ không làm gia tăng rủi ro và tổn thương của cộng đồng nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Thay vào đó, thông qua những hiểu biết rõ ràng về rủi ro, với các chiến lược TNXH, sự vận hành có trách nhiệm với môi trường sinh thái, và các kế hoạch chuẩn bị ứng phó của doanh nghiệp sẽ làm giảm thiểu các rủi ro do thiên tai gây ra;
Cam kết của doanh nghiệp: Trách nhiệm xã hội thúc đẩy sự cam kết của các bên liên quan và tăng cường năng lực của doanh nghiệp nhằm mang lại lợi ích cho xã hội của doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động TNXH các doanh nghiệp có cơ hội để cộng tác với chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các đối tác khác để tạo ra nhiều giải pháp hiệu quả hơn trong công tác phòng ngừa, ứng phó, và phục hồi trước, trong và sau thiên tai.
Trách nhiệm xã hội phải xuất phát từ bên trong doanh nghiệp. Chiến lược TNXHDN lâu dài và hiệu quả chính là thực hiện các chính sách nhằm tăng cường trách nhiệm bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Các doanh nghiệp phải đảm bảo hoạt động của mình không gây ra những tác hại đối với môi trường sinh thái, áp dụng các công nghệ và giải pháp thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất và kinh doanh.
Tăng cường công tác QLRRTT của doanh nghiệp cũng chính là tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vì nhiều doanh nghiệp có đông lao động và thu nhập của họ còn thấp. Nếu doanh nghiệp không có kế hoạch phòng chống rủi ro thiên tai (RRTT) một cách có hệ thống thì khi thiên tai xảy ra, doanh nghiệp sẽ bị nhiều tổn thất: thiệt hại về tài sản; người lao động có thể đối diện với nguy cơ mất việc làm, thu nhập giảm sút chưa kể đến những rủi ro về người.
Xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó với thiên tai trong doanh nghiệp tốt chính là bảo vệ sự đầu tư, tài sản, và an toàn tính mạng cho người lao động trong doanh nghiệp vì vậy các doanh nghiệp trên các địa bàn bị ảnh hưởng của thiên tai cần coi các hoạt động QLRTT trong doanh nghiệp là một phần tất yếu của các hoạt động liên quan đến TNXH của doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc xây dựng kế hoạch phòng ngừa ứng phó cho doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo và diễn tập; hỗ trợ nhân viên và gia đình họ xây dựng kế hoạch ứng phó cũng là những hoạt động liên quan đến TNXH.
[1] SA 8000 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc làm việc trong các công ước của ILO và Tuyên bố toàn cầu của Liên Hợp Quốc về Quyền con người và Công ước về Quyền của Trẻ em, là tiêu chuẩn quốc tế ban hành năm 1997, đưa các yêu cầu về Quản trị trách nhiệm xã hội nhằm cải thiện điều kiện làm việc trên toàn cầu.