Thành phố Đà Nẵng nằm trên địa bàn miền Trung, trung bình hằng năm thường xảy ra khoảng 4 đến 5 cơn bão, có lượng mưa trung bình cao nhất nước (2.600 mm đến 4.000mm/năm) thường gây mưa lớn, lũ quét và ngập úng cục bộ.
Đặc điểm ngành nghề sản xuất của Tổng Công ty: Sử dụng bông,vải, sợi (hàng may mặc) dễ bị hỏng do ngập nước, hoặc do tốc mái. Chính vì vậy, đơn vị đã xây dựng nhà xưởng sản xuất kiên cố; đầu tư kinh phí mua sắm các phương tiện phòng chống bão lụt theo kế hoạch; Nắm chắc tình hình diễn biến mưa bão để thông tin thông báo cho CBCNV biết phòng chống và luôn chủ động thực hiện tốt phương châm bốn tại chỗ, Thành lập Ban chỉ huy, Đội PCLB túc trực 24/24h trước, trong và sau khi có bão lũ xãy ra.
Đặc điểm nổi bật của đơn vị này là việc tập huấn diễn tập phòng ngừa được thực hiện một cách hiệu quả và chuyên nghiệp, giúp doanh nghiệp ứng phó rất nhanh trong tình huống khẩn cấp. Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc đều có kế hoạch chuẩn bị riêng, chi tiết, và có diễn tập.
KẾ HOẠCH CHUẨN BỊ VÀ DIỄN TẬP PHÒNG CHỐNG BÃO LỤT CÔNG TY HÒA THỌ
A – Kế hoạch chuẩn bị:
Tổng Công ty đã thành lập Ban chỉ huy phòng chống Bão lụt Tổng công ty gồm 14 người và Đội PCBL cơ động 20 người, ngoài ra các đơn vị thành viên đã thành lập các tiểu ban PCBL và đội PCBL tại chỗ tổng số 100 người.
Nhiệm vụ cụ thể của Ban chỉ huy PCBL Tổng công ty được phân công trách nhiệm rõ ràng:
- Phó tổng giám đốc – Trưởng ban, phụ trách chung
- Chủ tịch công đoàn Tổng công ty – Phó ban, phụ trách việc chỉ huy sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn và quan hệ với các cơ quan chức năng ở địa phương để nhờ trợ giúp và xử lý các tình huống khẩn cấp.
- Phó Tổng giám đốc – Ủy viên, chỉ huy công tác PCBL và công tác tổ chức khôi phục lại sản xuất.
- Giám đốc điều hành kiêm Chánh văn phòng Tổng công ty – Ủy viên, phụ trách điều động nhân lực, phương tiện, quản lý con người, chuyển các thiết bị văn phòng, tài liệu, hồ sơ của Công ty đến nơi an toàn và bố trí người bảo vệ tài sản đó.
- Giám đốc điều hành kiêm Trưởng phòng kế hoạch kinh doanh – Ủy viên, phụ trách việc sơ tán nguyên phụ liệu, sản phẩm ngành May đến nơi an toàn và cử người bảo vệ an toàn tài sản đó và tổ chức đánh giá thiệt hại thành phẩm, nguyên liệu phụ liệu do bão gây ra và xây dựng phương án khắc phục, phục hồi sản xuất.
- Trưởng phòng kinh doanh sợi – Ủy viên, phụ trách sơ tán nguyên phụ liệu sản phẩm nghành Sợi đến nơi an toàn và cử người bảo vệ tài sản đó tổ chức đánh giá thiệt hại thành phẩm, nguyên liệu phụ liệu do bão gây ra và xây dựng phương án khắc phục, phục hồi sản xuất.
- Trưởng phòng kỹ thuật đầu tư – Ủy viên, phụ trách sơ tán thiết bị máy móc, bảo đảm an toàn về điện, thiết bị máy móc phục vụ công tác chống ngập úng, xây dựng phương án khắc phục thiệt hại do bão gây đảm bảo an toàn trước khi đưa thiết bị vào vận hành.
- Trưởng phòng đời sống – Ủy viên, phụ trách công việc chăm lo đời sống cho CBCN và chỉ huy phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm sau bão lũ.
- Kế toán trưởng – Ủy viên, phụ trách tài chính, tổng hợp đánh giá báo cáo thiệt hại do bão lụt gây ra.
- Phụ trách an toàn Tổng công ty – Ủy viên, phụ trách bảo vệ an toàn tài sản nơi sơ tán và trong khuôn viên Tổng công ty.
Đội phòng chống Bão – Lụt Tổng công ty gồm: 27 người do Phó chánh Văn phòng – Ủy viên ban chỉ huy phòng chống Bão – Lụt Tổng công ty làm Đội trưởng, có trách nhiệm chỉ huy đội phòng chống bão lụt Tổng công ty cơ động đến các vị trí xung yếu, khi các tiểu ban yêu cầu, hoặc khi có sự chỉ đạo của Ban chỉ huy PCLB Tổng Công ty.
Đội PCLB Tổng Công ty được phân thành 4 nhóm có nhiệm vụ như sau:
- Nhóm I: Nhóm trưởng, có nhiệm vụ điều động nhân lực, phương tiện sơ tán thiết bị văn phòng, hồ sơ tài liệu và người đến nơi an toàn, sau đó chuyển về lại vị trí cũ.
- Nhóm II: Nhóm trưởng, có nhiệm vụ sơ tán nguyên phụ liệu, thành phẩm, bán thành phẩm đến nơi an toàn. Sau đó chuyển lại vị trí cũ.
- Nhóm III: nhóm trưởng, có nhiệm vụ lắp đặt các kệ chất hàng trước khi có thông tin về bão lụt, sơ tán thiết bị máy móc trong dây chuyền sản xuất và các máy móc phụ trợ đến nơi an toàn và kiểm tra an toàn về điện, thiết bị, hoàn trả về vị trí ban đầu sau khi hết bão lụt và tổ chức khắc phục thiệt hại bảo đảm an toàn trước khi đưa vào hoạt động trở lại.
- Nhóm IV: nhóm trưởng, phối hợp với lực lượng bảo vệ Tổng công ty và các đơn vị thành viên có nhiệm vụ bảo vệ tài sản Tổng công ty, kiểm tra chặt chẽ công tác an toàn về sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ trước, trong và sau khi có bão xảy ra.
Các tiểu ban:
- Giám đốc nhà máy may 1, phụ trách công tác phòng chống bão lụt tại nhà máy may 1.
- Giám đốc nhà máy may Veston, phụ trách công tác phòng chống bão lụt tại nhà máy may Veston.
- Ban thương hiệu, phụ trách công tác phòng chống bão lụt tại Ban thương hiệu.
- Giám đốc Nhà máy Sợi 2, phụ trách công tác phòng chống bão lụt tại Nhà máy Sợi 2.
- Giám đốc Nhà máy Sợi 1, phụ trách công tác phòng chống lụt bão tại Nhà máy Sợi 1.
Phương tiện:
Phương tiện dùng chung cho phòng chống lụt và phòng chống bão: 5 đèn pin, 3 máy phát điện tổng công suất 10Kw. Phương tiện liên lạc: bộ đàm 8 cái, điện thoại di động và cố định có sẵn, loa cầm tay 2 cái và hệ thống loa phát thanh nội bộ của các đơn vị thành viên.
Y tế dự phòng:
Chuẩn bị thuốc, phương tiện sơ cấp cứu, trực cấp cứu, liên hệ với Trung tâm y tế dự phòng địa phương chuẩn bị cơ số thuốc khử trùng nguồn nước và môi trường.
Hậu cần:
Dự trữ lương thực, thực phẩm khô, nước sạch đủ sử dụng trong vòng 5 ngày cho đội phòng chống lụt bão và CBCNV không về được khi có bão lớn xảy ra
B – Xử lý các tình huống (Kịch bản và tình huống dùng cho diễn tập):
Phòng chống bão
Khi có bão:
- Thường xuyên nghe thông tin dự báo thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng thông báo có gió bão ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn.
- Ban chỉ huy PCLB khẩn trương họp triển khai phương án phòng chống và báo cáo Lãnh đạo Tổng Công ty xin ý kiến chỉ đạo.
- Thông báo cho CBCNV nghỉ làm việc trong thời gian có bão cấp 9 trở lên, không đi lại trên đường gây mất an toàn và thường xuyên liên lạc với cơ quan phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương để nắm bắt thông tin diễn biến của cơn bão, đề ra biện pháp ứng phó phù hợp và nhờ trợ giúp khi cần thiết.
- Ban chỉ huy phòng chống Bão – Lụt cử người làm nhiệm vụ chèn chống nhà cửa như: Dùng dây chèn neo cột chèn chống nhà cửa. Các vị trí hướng gió bão, dùng bao đựng cát đè lên trên mái tôn nhà xưởng kho tàng, mật độ bao cát 1bao/3m2; Dùng tôn che các cửa nhà xưởng chính, nhà ăn và nhà khách (tôn che cửa phải gia công chuẩn bị sẵn theo kích thước cửa, được đánh số tương ứng). Dùng dây neo bổ sung ống khói nồi hơi đốt than và các bồn nước trên cao; Di dời máy móc thiết bị và tài sản của Công ty, nguyên liệu thành phẩm và bán thành phẩm đến nơi an toàn tùy tình hình thực tế trong cơn bão. Đối với bán thành phẩm, phải đựng trong bao có đánh dấu tránh lẫn lộn, mất mát. Tập kết bạt che chống dột trong nhà xưởng.
- Kiểm tra an toàn điện nước khi bão đến, gia cố chèn chống các tuyến dây điện, chặt, tỉa nhánh các cây cao gần khu vực khu vực nhà xưởng và các tuyến có dây điện đi qua.
- Kiểm tra máy phát điện: chuẩn bị nhiên liệu, kiểm tra dầu bôi trơn. Đấu nối dây điện và bóng đèn chiếu sáng tại các khu vực cần thiết khi cắt điện lưới. Các phương tiện thông tin liên lạc phải được sẵn sàng hoạt động, cho máy phát điện chạy thử, kiểm tra các thông số kỹ thuật của máy phát.
- Về y tế: chuẩn bị cơ số thuốc và phương tiện cấp cứu. Tình huống giả định: có một người bị thương (gãy xương cánh tay) khi làm nhiệm vụ che chắn nhà cửa, cần phải sơ cấp cứu và chuyển viện….
- Về hậu cần: tình huống giả định có 30 người ở lại công ty làm nhiệm vụ và 50 người do nhà xa, gió lớn không về được phải ở lại tại Tổng Công ty.
- Khi có gió bão, tất cả mọi người không được ra ngoài, phải tập trung nơi an toàn. (tùy tình huống thực tế xảy ra để báo cáo Lãnh đạo Tổng Công ty xin ý kiến chỉ đạo).
Sau bão:
- Tập trung lực lượng tổng vệ sinh và khắc phục các thiệt hại do bão gây ra để sớm phục hồi sản xuất.
- Tháo tôn che các cửa và các dây neo bảo quản đúng nơi quy định.
- Hết mùa mưa bão tổ chức đưa các bao cát đè trên mái tôn, mái nhà xuống đổ cát ra để bảo quản bao, tránh tình trạng để bao cát trên mái nhà quá lâu, dẫn đến bao bị mục, hư hỏng và cát đổ ra gây tắc nghẹt các đường thoát nước.
- Kiểm tra nguồn và hệ thống điện bảo đảm an toàn mới cho hoạt động trở lại.
- Kiểm tra thiết bị máy móc bảo đảm an toàn trước khi đưa vào hoạt động trở lại.
- Hoàn trả thành phẩm và bán thành phẩm về vị trí ban đầu.
- Họp rút kinh nghiệm, báo cáo thiệt hại và đề xuất hướng xử lý các vấn đề chưa khắc phục được (nếu có).
Phòng chống lụt
Thường xuyên nghe thông tin dự báo thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng thông báo có trời mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng, mực nước lên đến báo động từ cấp 3 trở lên, có khả năng bằng hoặc vượt đỉnh lũ năm 2007, ảnh hưởng trực tiếp đến sự đi lại của CBCN đến Tổng Công ty làm việc cũng như khi ra về để chỉ đạo kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng tài sản cho CBCN của Tổng Công ty.
Ban chỉ huy PCLB khẩn trương họp triển khai phương án phòng chống lụt và báo cáo về Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt Tập đoàn Dệt may Việt Nam để xin ý kiến chỉ đạo. Thông báo cho CBCNV ở vùng ngập lụt nghỉ làm việc trong thời gian có mưa lũ trên mức báo động cấp 2 không đi lại trên đường gây mất an toàn và liên lạc trực tiếp với cơ quan phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương để nắm bắt thông tin diễn biến của lũ trên các sông, đề ra biện pháp ứng phó phù hợp.
Chia sẻ kinh nghiệm của về công tác hỗ trợ nhân viên và gia đình chuẩn bị phòng ngừa và ứng phó với thiên tai.
Tổng Công ty tổ chức huấn luyện, tuyên truyền, phố biến các kiến thức về phòng chống thiên tai, huấn luyện về công tác cứu hộ, cứu nạn, sơ cấp cứu tại chỗ cho tất cả CBCNV của Tổng công ty, tổ chức thực hành diễn tập cho đội Cứu nạn cứu hộ của Tổng công ty 01 năm 2 lần.
Sau thiên tai Tổng Công ty tổ chức thống kê các CBCN ở vùng chịu thiên tai, tổng hợp thiệt hại và hỗ trợ kịp thời cho gia đình CBCN bị sập nhà, cuốn trôi tài sản hoặc bị tai nạn do thiên tai bão lũ.
Công tác hỗ trợ Cộng đồng: Sau mỗi đợt thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn, trong nước và trên thế giới, Tổng Công ty đều vận động CBCN đóng góp, trích nguồn kinh phí của Tổng Công ty để ủng hộ, cứu trợ các gia đình, các vùng và các nước bị thiệt hại do thiên tai như: ủng hộ quỹ cứu trợ trong bão lũ các tỉnh phía bắc năm 2008, ở vùng miền núi Quảng Nam và Đà Nẵng năm 2009 và 2010; ủng hộ quỹ cứu trợ thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật bản tháng 3 năm 2011. Trong 5 năm qua CBCN và Tổng Công ty đã ủng hộ số tiền trên 2 tỷ đồng cho công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai.