Thực tiễn và kinh nghiệm tại công ty cổ phần VINATEX – Đà Nẵng

BY ON 27-09-2013 IN Kinh nghiệm và thực tiễn, Lập kế hoạch, Thông tin cần biết Comments Off

Cơn bão năm 2006 và 2009, Nhà máy Thanh Sơn có thiệt hại đáng kể, vỡ cửa và hỏng hệ thống làm mát, nước ngập lên đến tầng 1 và hàng hóa bị ướt, công nhân nghỉ làm 1 tuần. Xí  nghiệp may I bị bay một số mái tôn. Chính vì vậy, nhà máy rất coi trọng công tác phòng ngừa và ứng phó.

Đây là doanh nghiệp trung ương đóng tại địa phương, một doanh nghiệp nhà nước nên công tác phòng chống bão lụt (PCLB) cũng như phòng cháy chữa cháy (PCCC) luôn được đề cao và có qui trình cụ thể. Khi có bão vào thì thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ để bảo vệ tài sản, đầu tư và con người của công ty theo phương án đã đề ra từ trước, bằng mọi cách giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra cho doanh nghiệp.

Hình ảnh Công ty CP Vinatex Đà Nẵng Hình ảnh nhà máy Thanh Sơn – Vinatex Đà Nẵng
Hình ảnh Công ty CP Vinatex Đà Nẵng Hình ảnh nhà máy Thanh Sơn – Vinatex Đà Nẵng


Đặc điểm nổi bật của Công ty VINATEX Đà Nẵng là việc thực hiện các công tác phòng ngừa bảo quản nguyên vật liệu và thành phẩm tốt và chu đáo. Các hoạt động chuẩn bị và phòng ngừa được thực hiện nghiêm túc và bài bản, có cập nhật thường xuyên và có điều chỉnh sau các đợt thiên tai.

Chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị cùng ngành nghề:

Với đặc thù ngành dệt may, trong tình huống khẩn cấp như bão hoặc lũ, những hàng hóa và thiết bị quan trọng sau đây cần được bảo vệ cẩn thận:

  • Hàng hóa: đóng gói vào túi ni lông và cất lên chỗ cao hơn, các sản phẩm may dở dang được đánh số cẩn thận để không bị lẫn lộn khi nhà máy hoạt động trở lại.
  • Máy móc: Các loại máy may đều được bọc ni lông trước khi có bão.

Trang thiết bị và  nhà xưởng được chuẩn bị kỹ và lên phương án bảo vệ trước mùa mưa bão:

  • Các cửa sổ, cửa chính và mái nhà.
  • Giải pháp và phương án bảo vệ: Sắp đến mùa mưa bão sẽ chằng bao cát  trên mái tôn (tháng 6 chằng lên đến tháng 3 năm sau dỡ xuống), chằng chéo các cửa bằng dây thép và băng dính.
  • Có bão lụt, ngừng sản xuất và cho công nhân viên nghỉ việc hoặc khi nghe tin có bão lụt thì công nhân viên tự động nghỉ việc.

Đặc thù của doanh nghiệp là may xuất khẩu, sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác, vì vậy nguyên vật liệu cũng do đối tác cấp theo đơn đặt hàng nên không dự trữ nhiều. Tuy nhiên, Vinatex có các kho riêng cho từng nhà máy và xưởng của mình.

CÁC NỘI DUNG CHÍNH TRONG BẢN KẾ HOẠCH CỦA VINATEX:

Nhiệm vụ phòng chống lụt bão giảm nhẹ thiên tai:

  • Khi có bão xảy ra, phải triển khai trực chiến nhằm hạn chế thiệt hại do bão gây ra.
  • Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Ban chỉ đạo PCLB các cấp.
  • Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Vật tư – phương tiện tại chỗ; Kinh phí tại chỗ.
  • Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho CBCNV, nâng cao nhận thức trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ.
  • Khi có tình huống xảy ra, sử dụng lực lượng tại chỗ, nếu vượt quá khả năng thì đề xuất cấp trên hỗ trợ.

Lực lượng tại chỗ:

  • Gồm 6 đội tại Xí nghiệp được thành lập (theo danh sách)
  • Khi có tin báo của đài khí tượng về bão thì sẽ phân công túc trực theo danh sách từng đội đã phân công.

Biện pháp phòng chống chủ yếu:

Các đội phải kiểm tra thường xuyên những vị trí trọng yếu như: hệ thống làm mát xưởng bằng giấy (xưởng chính, tổ 7, tổ 8, tổ hoàn thành), mái tôn nhà (xưởng chính và hoàn thành), những vách ngăn bằng kính (tổ may 7) và đặc biệt chú ý những nơi bị dột và nước tràn vào phải có biện pháp di dời và đưa hàng hóa kê lên để bảo vệ an toàn tài sản và hàng hóa…

Diễn tập:

Giả định tình huống:

Địa điểm dây chuyền may 7 bị gió đập vỡ của kính

Giải quyết tình huống:

Đội đang trực chiến phải nhanh chóng cắt điện của dây chuyền (áp-tô-mát tổng), kiểm tra và dùng dây thép buộc và chèn các cửa sổ có khả năng bị vỡ, đồng thời di chuyển máy móc, hàng hóa đến nơi an toàn, trường hợp di chuyển không kịp phải dùng bạt che đậy lại để bảo vệ hàng hóa, máy móc thiết bị xong và di chuyển dần tránh xa khu vực trên, tìm những vật che chắn được nhanh chóng che chắn lại.

Giải quyết hậu quả:

  • Sau khi bão tan phải kiểm tra toàn bộ phương tiện, dụng cụ sản xuất, hàng hóa, vật tư…
  • Kiểm tra và thống kê số tài sản bị thiệt hại, số còn lại, tỷ lệ hư hỏng và người bị nạn (nếu có)…
  • Khẩn trương dọn dẹp, lau chùi máy móc thiết bị, hàng hóa, nhà xưởng để sớm ổn định đi vào hoạt động sản xuất, đồng thời báo ngay cho Ban lãnh đạo Công ty để có kế hoạch giúp đỡ hoặc ý kiến chỉ đạo…

 Nhiệm vụ của Ban chỉ huy PCLB:

  • Theo dõi và tiếp nhận thông tin của cấp trên.
  • Họp và phân công các đội trực chiến sẵn sàng.
  • Phổ biến những vị trí xung yếu cho các đội nắm rõ và những tình huống khi có bão xảy ra.
  • Tham mưu cho Ban chỉ huy PCLB Công ty biết những nguy cơ có thể xảy ra để tránh thiệt hại.
  • Kết hợp chặt chẽ với Ban phòng chống lụt bão của Công ty trong công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai.

Danh mục phương tiện trang bị và vật tư phòng chống bão lụt của VINATEX (số lượng cụ thể điều chỉnh hàng năm)

  • Mũ bảo hộ lao động
  • Ủng đi mưa
  • Áo mưa
  • Búa, kìm điện, đinh các loại
  • Bao nilon đựng hàng
  • Dây thép cột
  • Đèn sạc pin
  • Bếp gas + bình gas (bộ)
  • Hộp sơ cứu thương đủ cơ số thuốc và dụng cụ
  • Phương tiện truyền thông dùng điện thoại di động có phần mềm FM trong Ban PCBL
  • Mì ăn liền (mua mì ly dự phòng trong mua mưa bão, nếu hết hạn sử dụng mua bổ sung)
  • Bình nước uống 24 lít

Tải bản kế hoạch chi tiết tại đây.