Thời gian qua, đóng góp từ người dân, các tổ chức và doanh nghiệp đã trao tận tay nhiều tỷ đồng hàng cứu trợ cho nạn nhân các đợt bão và lũ lụt. Ngoài ra, hàng năm, cá nhân và tổ chức ở Việt Nam cũng đã tự nguyện quyên góp hàng trăm tỷ đồng cho các quỹ từ thiện. Báo chí và các đài truyền hình tổ chức nhiều hình thức quyên góp cho các hoạt động và chương trình từ thiện.
Nhưng cho đến nay, công tác từ thiện ở Việt Nam chủ yếu mới dựa vào sự quyên góp từ nhân dân, phần đóng góp của doanh nghiệp chưa nhiều, chưa thành phong trào. Quy mô công tác từ thiện, nói chung và trong lĩnh vực QLRRTT nói chung ở Việt nam còn nhỏ, thường tiến hành khẩn cấp và rầm rộ sau khi thiên tai xảy ra, chứ không phải là công việc thường xuyên. Và vì thế, từ thiện mang tính chất hỗ trợ khi hoạn nạn, khó khăn chứ chưa có đủ nguồn để xây dựng các chương trình phát triển cộng đồng, các chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo, giáo dục mang tính chất phòng ngừa. Trong lĩnh vực QLRRTT, từ thiện mới chỉ phát huy được trong lĩnh vực cứu trợ thiên tai chứ chưa giải quyết được vấn đề gốc rễ đó là phòng ngừa và chuẩn bị ứng phó trước thiên tai.
Ở các nước phát triển, từ thiện trở thành một văn hoá. Người dân quyên góp từ thiện như một thói quen không cần suy tính. Hơn nữa, có những tổ chức (ví dụ: các quỹ từ thiện) chuyên trách nghiên cứu sử dụng tiền từ thiện một cách có hiệu quả nhất. Người phương Tây, đặc biệt người Mỹ, có truyền thống làm từ thiện quy mô lớn, nhất là những người giàu. Ở Mỹ tồn tại một nền kinh tế phi lợi nhuận (non-profit economy) chuyên làm từ thiện, có giá trị khoảng 5,4% GDP trong năm 2009, sử dụng hơn 10 triệu người, tức khoảng 9% lực lượng lao động, hơn cả tổng số công chức Mỹ. Năm 2009, Mỹ có 1.574.674 tổ chức từ thiện hoạt động ở trong và ngoài nước. Tổng số vốn của 100 quỹ từ thiện lớn nhất lên tới hơn 120 tỷ USD, một số quỹ trên 10 tỷ USD.
Để thực sự tăng cường sự đóng góp từ thiện của doanh nghiệp vào lĩnh vực này, các tổ chức hiện nay của Việt Nam có chức năng quyên góp từ thiện, cần hoạt động chuyên nghiệp hơn để có thể vận động quyên góp tiền thường xuyên từ các doanh nghiệp và doanh nhân, nhà giàu, và tổ chức công tác này một cách quy mô, có chiến lược lâu dài nhằm thu hút sự đóng góp của công chúng và cộng đồng doanh nghiệp tập trung vào công tác phòng ngừa và chuẩn bị ứng phó trước thiên tai. Cần có sự tham gia và hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực hỗ trợ từ thiện để không những vận động hiệu quả hơn mà còn sử dụng hiệu quả và minh bạch các khoản hỗ trợ và từ thiện đó. Điều này không những sẽ giúp cho các hoạt động hỗ trợ từ thiện trở nên chuyên nghiệp và người dân, cộng đồng và doanh nghiệp sẽ cảm thấy tin tưởng và vì thế sự đóng góp và hỗ trợ sẽ tăng lên. Khi đó văn hóa từ thiện sẽ dần được thiết lập.
Để hình thành văn hóa hỗ trợ từ thiện cho các doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần đưa việc đóng góp cho QLRRTT thành công việc hàng ngày và hỗ trợ những nỗ lực phòng ngừa và ứng phó với thiên tai để giúp cộng đồng tăng cường khả năng chống chọi với thiên tai thay vì chỉ rộ lên và tập trung vào sau thiên tai như hiện nay.