Hỗ trợ cộng đồng

Những năm qua, mọi nỗ lực và hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đều tập trung vào hỗ trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm, thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng trên 700 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế từ 1,0 – 1,5% GDP[1]. Đặc biệt, năm 1997 thiên tai đã cướp đi sinh mạng của 974 người, làm nhiều người bị mất tích. Trận lũ lịch sử năm 1999 ở các tỉnh Duyên hải miền Trung đã làm chết và mất tích 899 người. Bão số 6 (Xangsane) năm 2006 làm 76 người chết và mất tích, 532 người bị thương và gây thiệt hại tài sản lên đến 10.400 tỷ đồng, tương đương 650 triệu đô la Mỹ. Cơn bão số 9 Ketsana, năm 2009 làm thiệt mạng 163 người, có 17 người mất tích, và gây thiệt hại vật chất gần 800 triệu đô-la[2]. Sau các đợt thiên tai đó, đông đảo người dân, các tổ chức, và doanh nghiệp đã hỗ trợ về tiền và hàng hóa cứu trợ cho nạn nhân ở các vùng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vì những hỗ trợ đó thường được huy động khẩn cấp trong hoặc sau thiên tai, cho nên trong nhiều trường hợp chưa được điều phối một cách có hiệu quả. Điều này gây lãng phí nguồn lực cũng như làm nản lòng những nhà tài trợ. Chính vì vậy, để tăng cường hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ (bất kể bằng tiền hay hiện vật), các tổ chức cần phải được lập kế hoạch trước khi thiên tai xảy ra.

Theo thống kê năm 2009, Việt Nam có hơn 240.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm gần 98% tổng số DN cả nước[3]. Để thực sự tăng cường sự đóng góp từ thiện của doanh nghiệp vào lĩnh vực này, các tổ chức hiện nay của Việt Nam có chức năng quyên góp từ thiện, cần hoạt động chuyên nghiệp hơn để có thể vận động quyên góp tiền thường xuyên từ các doanh nghiệp và doanh nhân, và tổ chức công tác này một cách quy mô, có chiến lược lâu dài nhằm thu hút sự đóng góp của công chúng và cộng đồng doanh nghiệp. Cần có sự tham gia và hỗ trợ tích cực hơn của các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực hỗ trợ từ thiện để không những vận động hiệu quả hơn mà còn sử dụng hiệu quả và minh bạch các khoản hỗ trợ từ thiện đó. Điều này không những sẽ giúp cho các hoạt động hỗ trợ từ thiện trở nên chuyên nghiệp, và người dân, cộng đồng, và doanh nghiệp sẽ cảm thấy tin tưởng. Vì thế sự đóng góp và hỗ trợ sẽ tăng dần lên.

Cứu trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả

Cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ khôi phục lâu dài đều quan trọng đối với cộng đồng. Nhưng từ trước tới nay, kinh phí và mọi nỗ lực tập trung nhiều hơn cho các hoạt động cứu trợ khẩn cấp so với kinh phí dành cho các hoạt động khắc phục hậu quả lâu dài. Chính vì thế, những hỗ trợ mang tính chất dài hạn như: phục hồi sinh kế, hỗ trợ tâm lý, và nhà ở lâu dài –  hầu như không có kinh phí hỗ trợ, mặc dù những hoạt động này cũng không kém phần quan trọng. Đây chính là những lúc mà những hoạt động hỗ trợ từ thiện cần phát huy hiệu quả, giúp cộng đồng tái thiết sau thiên tai theo hướng bền vững hơn trước khi thiên tai xảy ra, giúp họ có khả năng chống chọi với những đợt thiên tai tiếp theo.

MỌI NỖ LỰC ĐỀU TẬP TRUNG VÀO CỨU TRỢ KHẨN CẤP SAU THIÊN TAI

Cơn bão Xangsane, năm 2006, được coi là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam trong vòng 20 năm qua. Bão đã làm gần 270.000 ngôi nhà bị hỏng nặng, 1.287 hecta đất canh tác nông nghiệp bị hư hại, 65.000 gia cầm bị chết và hơn 700 thuyền đánh cá bị chìm.

Hội doanh nghiệp trẻ TP HCM, Hội Tin học thành phố, những trung tâm thương mại lớn ở thành phố đã vận động thành viên, khách hàng của mình hỗ trợ đồng bào bị thiên tai. Nhiều tập đoàn lớn cũng đã tham gia hỗ trợ. Ví dụ như: Công ty Điện tử Samsung Vina đã trích 100 triệu đồng, hỗ trợ thông qua Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng chuyển đến đồng bào bị thiệt hại, vào ngày 3/10. Công ty còn thực hiện chương trình miễn phí tiền công sửa chữa và giảm giá linh kiện thay thế tất cả các sản phẩm điện tử và điện gia dụng của hãng: tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh của người dân Đà Nẵng bị hư hỏng do mưa bão.

Ngoài ra, các câu lạc bộ doanh nhân và các doanh nhân cũng đã quyên góp gần 1 tỷ đồng từ các sự kiện (ví dụ như đêm nhạc từ thiện) và tổ chức trao tận tay người dân bị thiệt hại do bão lũ ở miền Trung (các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, và Hà Tĩnh).

 (Theo Mặt trận tổ quốc thành phố Đà Nẵng)

Cân bằng tốc độ và tác động của hỗ trợ

Khi thiên tai xảy ra, mọi nỗ lực tập trung vào hỗ trợ khẩn cấp là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cho đến nay, các khoản hỗ trợ, tài trợ thường chỉ tập trung mấy tuần sau khi thiên tai xảy ra và hầu như chưa có đánh giá tác động của các khoản hỗ trợ đối với cộng đồng. Do không có kế hoạch từ trước, các nhà tài trợ cũng không dành thời gian để đánh giá xem tổ chức nhận tiền hỗ trợ có khả năng sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ và tài trợ hay không. Sau những đợt bão lũ lớn thường có nhiều vấn đề đặt ra và cần giải quyết đối với việc phân phát tiền cứu trợ cho cộng đồng đã bị ảnh hưởng do thiên tai.

Cần có sự tham gia của các cộng đồng địa phương trong các hoạt động phục hồi

Các thành viên của cộng đồng cần tham gia vào những hoạt động cứu trợ để đảm bảo việc cứu trợ đáp ứng nhu cầu cộng đồng. Sự tham gia của cộng đồng sẽ đảm bảo những nguồn lực hỗ trợ là phù hợp với cộng đồng (về mặt văn hóa và xã hội).

NGÂN HÀNG HSBC VIỆT NAM CỨU TRỢ CƠN BÃO KETSANA THÔNG QUA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ (THÁNG 10 NĂM 2009)

Bão Ketsana, năm 2009, đã tràn vào 12 tỉnh miền trung Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng, gây ra lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng, làm chết ít nhất 92 người, gây hư hại 350.000 ngôi nhà và thiệt hại về hạ tầng và mùa màng lên đến hơn 120 triệu USD Mỹ (chỉ tính tính riêng ở 5 tỉnh).

 Ngân hàng HSBC đã quyết định hỗ trợ 904.512.288 VNĐ để giúp đỡ những nạn nhân ở các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão Ketsana tại miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kontum, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.

 Trong đó, 537.628.800 VNĐ được trích từ quỹ hỗ trợ nạn nhân bị thiệt hại vì cơn bão Ketsana từ ngân hàng HSBC khu vực châu Á – Thái Bình Dương và 366.883.488 VNĐ được đóng góp bởi nhân viên và ngân hàng HSBC tại Việt Nam.

 Ngân hàng HSBC Việt Nam đã tặng tổ chức Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam 366.883.488 VNĐ để mua thức ăn, gạo, bình chứa nước và các nhu yếu phẩm khác cho ít nhất 120 gia đình tại miền Trung bị ảnh huởng bão.  Phần còn lại, 537.628.800 VNĐ đã được HSBC Việt Nam gửi đến Quỹ cứu trợ của báo Tuổi Trẻ nhằm giúp xây, sửa lại các lớp học, nhà nội trú và trao tặng 800 phần học bổng để giúp các em nhỏ trở lại trường.

 Theo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Cần có sự điều phối giữa các tổ chức tiếp nhận viện trợ và có chiến lược hỗ trợ phục hồi bền vững

Tình huống khẩn cấp sau thiên tai thường làm cho việc điều phối giữa các tổ chức khó khăn. Tuy nhiên sự điều phối sẽ tránh được sự trùng lặp và lãng phí nguồn lực.

Sau thiên tai, nhiều tổ chức và nhà tài trợ tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả.  Nhưng nhiều khi các hoạt động và dự án không được thiết kế một cách bền vững hơn và tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai của các cộng đồng đã bị ảnh hưởng. Hoặc các hoạt động cứu trợ không tập trung vào hỗ trợ phục hồi lâu dài hay phát triển những sinh kế bền vững cho các cộng đồng. Vì vậy không làm tăng khả năng ứng phó với thiên tai của các cộng đồng được hỗ trợ.

HỖ TRỢ PHỤC HỒI SAU THIÊN TAI Ở TỈNH PHÚ YÊN – CẦN THAY ĐỔI TƯ DUY VỀ CÔNG TÁC CỨU TRỢ

Năm 2009, sau những trận lũ lụt liên tiếp đổ bộ vào khu vực Miền Trung, chỉ tính riêng 3 huyện, thị xã của tỉnh Phú Yên đã có 80 người chết và ước tính thiệt hại khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.

Sự trợ giúp kịp thời của Chính phủ cũng như của đồng bào cả nước sau thiên tai đã làm giảm bớt nỗi đau mất mát của những người dân địa phương này. Nhưng sau đó nhiều tháng, người dân vẫn chưa ổn định được cuộc sống và phục hồi sản xuất. Trong khi đó, sau lũ, bình quân mỗi gia đình đã đón khoảng 50 đoàn cứu trợ, nhưng vì việc trợ giúp đều dồn vào một thời điểm, lại không được phân phối hợp lý, đã gây ra tình cảnh thiếu thừa éo le. Gia đình anh Trương Công Bình- nhận được lượng nước mắm là 53 chai, có thể ăn 2 năm, trong lúc đó gia đình anh lại cần sách vở và bàn học cho con anh tiếp tục đi học. Các tổ chức và địa phương đã phân phối theo cách tính bình quân, nhà nào cũng như nhau, một gia đình nhận một túi quần nữ, trong lúc họ lại cần quần áo của nam… Trong khi đó, những ngôi nhà tình thương và những ngôi nhà của gia đình liệt sỹ bị bay cửa, tốc mái và hỏng hóc nhưng gần hai tháng sau bão vẫn chưa có tổ chức nào hỗ trợ.

Mấy tháng sau bão lụt, người dân nơi đây chưa có đất để dựng lại nhà ở và sản xuất vì chưa san lấp được mặt bằng, và những cánh đồng còn trắng xóa khiến người dân chưa thể quay lại sản xuất. Việc cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào là một thành tích lớn, nhưng sự hỗ trợ ổn định dân cư và phục hồi sản xuất sau khi bị thiên tai cũng quan trọng không kém, nhưng chưa được tổ chức nào quan tâm và hỗ trợ.

Theo phóng sự – Ban thời sự của Đài truyền hình Việt Nam, thực hiện năm 2010.

 


[1]Đào Xuân Học – Ứng phó với biến đổi khí hậu, Báo Nhân dân cuối tuần online, 8/7/2011

(http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhan-dan-cu-i-tu-n/nhan-dan-cu-i-tu-n/khoa-h-c-giao-d-c/ng-pho-v-i-bi-n-i-khi-h-u-1.303004#IzTfvpTQ8DIt.)

[2] Cơ sở dữ liệu thiên tai, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương (http://www.ccfsc.gov.vn/KW6F2B34/Co-so-du-lieu-thien-tai.aspx)

[3] Tổng cục Thống kê- Niên giám thống kê 2010