Làm thế nào để doanh nghiệp có thể hỗ trợ cộng đồng một cách hiệu quả và doanh nghiệp đảm bảo rằng sự hỗ trợ của mình mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và người hưởng lợi và doanh nghiệp biết được rằng thời gian và tiền của doanh nghiệp đã bỏ ra một cách hiệu quả. Dưới đây là những nguyên tắc cơ bản khi các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động tài trợ và đóng góp từ thiện. Mục đích của những gợi ý dưới đây là giúp cho các doanh nghiệp biết cách hỗ trợ cộng đồng hiệu quả hơn chứ không nhằm mục đích làm giảm cam kết, sự say mê, và cảm thông của doanh nghiệp với cộng đồng.
Dưới đây là một số nguyên tắc cơ bản:
Hỗ trợ có trách nhiệm: Trong trường hợp doanh nghiệp không có thời gian tham gia trực tiếp, mà hỗ trợ thông qua các tổ chức khác (ví dụ: qua một trong những kênh đã liệt kê ở trên), doanh nghiệp cần hiểu rõ về tổ chức định hỗ trợ. Hãy tìm hiểu kỹ thông tin, xem lại báo cáo của họ (hoạt động và tài chính); cách thức thực hiện, tính hợp pháp và uy tín của các tổ chức này.
Hiểu biết về tác động của những hoạt động mà doanh nghiệp hỗ trợ: Đảm bảo rằng hỗ trợ của doanh nghiệp sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Những hỗ trợ đó sẽ có tác động gì? Doanh nghiệp bạn cần có tác động gì? Tác động đối với doanh nghiệp và tác động tới người hưởng lợi?
Tìm kiếm thêm sự hỗ trợ và tư vấn: Có nhiều nguồn thông tin mà doanh nghiệp có thể tham khảo và tham vấn, ví dụ như các tổ chức đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, bạn bè, đồng nghiệp và người thân cũng là một nguồn có thể có tham vấn thêm.
Với những nguyên tắc trên, doanh nghiệp có thể đặt mục tiêu cho những tài trợ và hỗ trợ của mình theo sơ đồ gợi ý dưới đây:
Dù đóng góp qua kênh chính thức hay phi chính thức, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý thêm những điểm dưới đây:
Biết rõ tổ chức mà doanh nghiệp bạn sẽ hỗ trợ
Hầu hết các tổ chức xã hội và từ thiện nhận tài trợ đều cung cấp thông tin chi tiết cho các nhà tài trợ. Không nên hỗ trợ thông qua tổ chức mà doanh nghiệp bạn không có thông tin gì về tổ chức đó. Yêu cầu họ gửi các thông tin về tổ chức bằng văn bản, copy bản báo cáo hàng năm, danh sách ban giám đốc, báo cáo tài chính, v.v. để doanh nghiệp biết rằng đó là tổ chức đáng tin cậy. Nếu tổ chức không gửi các thông tin cần thiết theo yêu cầu, doanh nghiệp hãy suy nghĩ kỹ trước khi hỗ trợ.
Cần biết là số tiền mà bạn đóng góp đi về đâu?
Như đã đề cập ở trên, tại các nước phát triển có nhiều tổ chức trung gian, làm tốt các công tác này đó là các tổ chức phi chính phủ (NGOs), hiệp hội, quỹ từ thiện (gọi chung là các tổ chức phi lợi nhuận) đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển hỗ trợ từ thiện. Nếu hỗ trợ thông qua các tổ chức này thì đều có chi phí hành chính và quản lý chương trình (với điều kiện tối thiểu 60% phải trực tiếp đến với người hưởng lợi). Điều này vẫn còn mới với Việt Nam. Hiện nay các tổ chức thuộc các kênh chính thức thì thường là các cơ quan nhà nước hoặc nằm trong hệ thống mặt trận tổ quốc và đây là một trong những nhiệm vụ của họ. Các kênh không chính thức thì thường là các tổ chức hoặc nhóm tình nguyện và hoàn toàn không có phí. Chính vì vậy, hiện nay các hiệp hội và các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam hầu như chưa tham gia vào quá trình này, và khái niệm từ thiện phi lợi nhuận vẫn còn mới với các cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam. Dù sao, oanh nghiệp cần nắm được trong số tiền hỗ trợ, bao nhiêu phần trăm sẽ chi cho các chi phí hành chính, quản lý phí và còn bao nhiêu tiền thực sự đến với người hưởng lợi hoặc cộng đồng.
Không nên hỗ trợ vì sức ép
Không nên hỗ trợ vì sức ép từ cơ quan hay tổ chức nào, chỉ hỗ trợ những chương trình mà doanh nghiệp bạn thấy thực sự cần thiết và có đóng góp cho cộng đồng. Cần phải lưu giữ nhưng hồ sơ và dữ liệu mà doanh nghiệp bạn đã hỗ trợ.
Hãy lưu giữ hồ sơ liên quan đến đóng góp của doanh nghiệp để có thể làm hồ sơ miễn giảm thuế
Mặc dù Chính phủ đã đưa ra những chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ phát triển cộng đồng và làm từ thiện (ví dụ như miễn, giảm thuế), song nhiều doanh nghiệp khi được hỏi không chú ý hoặc không quan tâm để có thể tiếp cận được những ưu đãi này. Nhiều biện pháp khuyến khích mới cho đầu tư xã hội của doanh nghiệp đã được đưa vào Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2011 (xem thêm chi tiết ở mục 8).
Đừng để cảm xúc lôi kéo sự hỗ trợ của bạn
Nhiều khi sự đóng góp và hỗ trợ từ thiện bị ảnh hưởng của tác động của truyền thông và thông tin đại chúng, từ những trường hợp điển hình, hoặc các lý do khác. Đây là những kênh thông tin quan trọng giúp doanh nghiệp nắm rõ nhu cầu cộng đồng, nhưng vẫn nên tham khảo qua các kênh thông tin khác và hãy phân tích, đánh giá, và suy nghĩ trước khi hỗ trợ.