Một số lưu ý đặc biệt khi bão và lũ xảy ra

BY ON 30-09-2013 IN Dành cho cộng đồng, Gia đình Comments Off

Đề phòng nắp hố ga trên đường

Luôn luôn mang theo điện thoại di động khi bạn quyết định ra ngoài. Tránh xa các đường dây điện, cột điện bị ngã đổ. Tránh xa cây đổ, không tìm cách vượt qua các cây đổ chắn ngang đường vì có thể dây điện đang bị mắc vào. Ghi nhớ các vị trí có các công trình xây dựng vì có thể có các hố sâu và bạn không thể nhìn thấy do chúng bị ngập lụt. Nên có gậy chống khi đi trên đường bị ngập lụt để dò đường bởi các nắp hố ga thoát nước trên đường có thể đã bị cuốn trôi, trở thành hố tử thần.

Không sử dụng nguồn nước ngầm trong khu vực đang bị ngập lụt. Nếu đang ở vị trí sơ tán thì chớ quay lại nhà ở tới khi các cấp chính quyền cho phép bởi nguy cơ sạt lở đất, lũ quét… có thể vẫn còn tồn tại ngay cả khi bão đã tan.

Khi công ty điện lực khôi phục và sửa chữa để cung cấp điện trở lại, hãy chú ý tắt toàn bộ các thiết bị, hoặc ngắt chúng ra khỏi nguồn điện trước khi bạn quyết định đóng cầu dao tổng cung cấp điện cho ngôi nhà. Nên kiểm tra toàn bộ các thiết bị điện trước khi sử dụng. Tuyệt đối không dùng các thiết bị điện đã bị ngấm nước hoặc chìm trong nước trong khi bão lũ. Không nên mở hoặc tháo các thiết bị điện và tự ý sửa chữa chúng.

 Nguyên tắc hoạt động của đường dây nóng 114 (chữa cháy và cứu hộ cứu nạn): ở bất kỳ tỉnh thành nào khi người dân bấm số 114 (điện thoại bàn hoặc điện thoại di động cũng không cần bấm mã vùng).

Hệ thống tổng đài sẽ tự động chuyển cuộc gọi về cho đơn vị địa phương gần nhất. Sau khi nhận được cuộc gọi, hệ thống bản đồ số sẽ được kích hoạt để xác định cụ thể vị trí người gọi điện. Tiếp theo điện thoại viên sẽ bấm chuông báo động. Và trong vòng chưa đến một phút, đội xe cứu hỏa sẽ được điều động rời trung tâm đến ngay hiện trường. Trong thời gian chờ lực lượng chữa cháy đến thì điện thoại viên sẽ giúp tư vấn cho người bị nạn về cách xử lý tình huống cụ thể để không bị ngạt thở vì khói, mất nước, hay bị đống đổ nát đè lên người…

Nên ở trong nhà ngay cả khi thấy bão tan, trời ngừng mưa, quang đãng hơn, bởi một số trường hợp người dân tưởng bão đã tan nên rời nhà. Nhưng thực ra bão vẫn chưa tan, vùng trời quang mây tạnh chính là khu vực mắt bão (tâm bão) đang đi qua. Mắt bão là vùng giữa của một cơn bão, thường có áp suất không khí rất thấp, hình xoáy tròn, thường có đường kính 40-65 km. Mắt bão được bao quanh bởi hoàn lưu bão – thứ làm nên sức mạnh tàn phá thực sự của bão. Khi mắt bão đi qua, hoàn lưu bão sẽ xuất hiện và rất nguy hiểm nếu bạn đang ở bên ngoài.