Lợi ích quản lý rủi ro thiên tai mang lại cho doanh nghiệp
Thiên tai có thể gây ảnh hưởng:
Hữu hình |
Vô hình | Tần suất/Thời gian |
Con người | Cơ cấu xã hội | Ngay lập tức |
Tài sản | Các hoạt động văn hóa | Ngắn hạn |
Kinh tế | Hoàn cảnh sống | Trung hạn |
Cơ sở hạ tầng | Sự liên kết | Dài hạn |
Môi trường | Động lực |
Thiên tai ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp?Thiên tai không chỉ phá hủy cơ sở hạ tầng và sự ổn định của doanh nghiệp mà còn làm gián đoạn các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bằng nhiều cách:
- Thiệt hại về tài sản cố định (nhà xưởng, nhà máy, thiết bị)
- Ảnh hưởng đất đai hoặc/và địa điểm của công ty hoặc nhà cung cấp
- Gián đoạn việc cung cấp hàng hóa, bán hàng và các hoạt động kinh doanh quan trọng khác
- Ảnh hưởng đến việc kinh doanh của đối tác trong chuỗi cung ứng
- Ảnh hưởng cả về vật chất và tinh thần của người lao động
Xu hướng trên toàn cầu
Công tác chuẩn bị, ứng phó và phục hồi trước trong và sau thiên tai ngày càng trở nên quan trọng với các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Dưới đây là một số xu hướng hiện nay trên toàn cầu:
- Cải thiện các hướng dẫn và tiêu chuẩn ngành để phát triển bền vững
- Tập trung nhiều hơn đến việc chuẩn bị và các chương trình làm giảm nhẹ thiên tai so với các hoạt động ứng phó và cứu trợ
- Tập trung quản lý rủi ro trước khi thiên tai xảy ra
- Chuyển hướng tập trung đóng góp bằng tiền của các doanh nghiệp sang đóng góp bằng nguồn lực và các kỹ năng cần thiết.
- Lồng ghép kế hoạch chuẩn bị ứng phó trước thiên tai vào mục tiêu và chương trình phát triển tổng thể
- Sự tham gia manh mẽ hơn của khu vực tư nhân và các ngân hàng phát triển, tái thiết
- Thành lập hoặc tăng cường năng lực cho các tổ chức phi chính phủ, đơn vị ứng phó khẩn cấp hoặc các đội phản ứng nhanh trong tình huống khẩn cấp
Doanh nghiệp có thể giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai bằng hai cách:
- Hoạt động kinh của doanh nghiệp không làm tăng rủi ro thiên tai (giảm tác động tiêu cực đối với môi trường.)
- Doanh nghiệp đẩy mạnh công tác chuẩn bị ứng phó cho chính doanh nghiệp và hỗ trợ cộng đồng trong công tác này.
Hai giải pháp này có thể giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Với những tác động phức tạp và sự tàn phá của thiên tai đối với doanh nghiệp, việc xây dựng kế hoạch một cách đầy đủ từ giai đoạn chuẩn bị, ứng phó, và phục hồi trước trong và sau thiên tai với sự tham gia của các bộ phận trong doanh nghiệp là việc làm hết sức quan trọng.
Tình hình tại Việt Nam
Hiện tại, với nguy cơ bão lũ hàng năm và hoạt động của doanh nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều nhà cung cấp và dịch vụ bên ngoài, nguy cơ bị gián đoạn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là rất lớn. Theo khảo sát mới đây của Quỹ Châu Á trên địa bàn ba tỉnh Nghệ An, Đà Nẵng và Khánh Hòa, các doanh nghiệp được khảo sát đều phụ thuộc vào hệ thống điện, giao thông, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường … nhưng hầu hết các doanh nghiệp chưa có kế hoạch chuẩn bị ứng phó trong tình huống thiên tai. Hiện nay, chính quyền địa phương cũng chưa có sẵn những dịch vụ hỗ trợ cần thiết (hay hệ thống dự phòng cung cấp dịch vụ) cho doanh nghiệp để ứng phó với trong tình huống thiên tai. Hầu hết các doanh nghiệp đều phụ thuộc vào hệ thống giao thông, dịch vụ viễn thông, điện, nhiên liệu, và cấp thoát nước, nhưng có đến gần 70% chưa có phương án dự phòng cho các dịch vụ đó khi thiên tai xảy ra mặc dù đa số doanh nghiệp đều cho rằng đây là việc làm cần thiết. Điều này cho thấy các doanh nghiệp vẫn còn rất thụ động trong các tình huống khẩn cấp do thiên tai.
67% các doanh nghiệp được khảo sát không có danh sách số điện thoại khẩn cấp khi thiên tai, 69% không có hệ thống thông tin dự phòng, 88% không có phương án giao thông dự phòng, 90% không có phương án bảo vệ hệ thống cấp thoát nước, 92% không có kế hoạch báo cáo diễn biến cho cơ quan chức năng). Có thể thấy, hầu hết các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa chưa có hoạt động giảm nhẹ hay kế hoạch ứng phó trong tình huống thiên tai.
Thực tế trên cho thấy sự cấp thiết của việc tăng cường quản lý rủi ro thiên tai trong khối doanh nghiệp tại Việt Nam. Với mục đích bảo vệ đầu tư và tài sản của doanh nghiệp và duy trì phát triển kinh tế xã hội bền vững và ổn định, vì đây cũng chính là nguồn lực hỗ trợ cộng đồng hiệu quả trong thiên tai.
Lợi ích của việc phòng ngừa và ứng phó với thiên tai
Phòng ngừa ứng phó thiên tai mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?
Đẩy mạnh công tác chuẩn bị phòng ngừa, ứng phó và phục hồi có thể mang lại một số lợi ích cụ thể cho các doanh nghiệp, bao gồm:
- Ngăn ngừa những thiệt hại trực tiếp: Thiên tai có khả năng gây bất ổn cho nền kinh tế và sinh kế. Thiên tai không loại trừ một ai – các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các cá nhân, tất cả đều có thể bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau.
- Bảo vệ tài sản và duy trì hoạt động hiệu quả: Các doanh nghiệp có thể được hưởng lợi nếu họ biết kết hợp các kế hoạch kinh doanh liên tục của doanh nghiệp với kế hoạch ứng phó trong tình huống khẩn cấp của cộng đồng. Kế hoạch chuẩn bị ứng phó của cộng đồng là để bảo vệ thành viên của cộng đồng, những người đó có thể bao gồm cả người lao động của doanh nghiệp, họ cũng có thể là một bộ phận khách hàng của doanh nghiệp.
- Phục hồi thị trường và dây chuyền cung ứng: Chuẩn bị ứng phó giúp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thể nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường sau thiên tai và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp liên kết với chính phủ và các tổ chức khác hỗ trợ quá trình phục hồi.
- Khuyến khích văn hóa hợp tác tích cực trong kinh doanh: Chuẩn bị phòng chống thiên tai thể hiện cam kết của doanh nghiệp đối với cộng đồng, đặc biệt đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp. Những hoạt động gắn kết người lao động với doanh nghiệp và tạo động lực cho họ tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng với vai trò tình nguyện hay đóng góp từ cá nhân.
- Thúc đẩy trách nhiệm xã hội (CSR): Rất nhiều doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân đóng góp vào xã hội thông qua các sáng kiến CSR. Những thực tiễn từ các doanh nghiệp có trách nhiệm thường là những cách tiếp cận chủ động từ công tác chuẩn bị phòng ngừa, ứng phó, và cứu trợ. Quá trình này giúp doanh nghiệp xây dựng danh tiếng và chứng tỏ vai trò đầu đàn của doanh nghiệp mình trong ngành.
- Hỗ trợ tính bền vững: Bảo vệ con người, giảm nhẹ rủi ro, và tăng cường khả năng chống chọi với thiên tai là các chiến lược phát triển dài hạn và bền vững để đảm bảo sinh kế và thu nhập ổn định cho các cộng đồng có nguy cơ.
- Kết nối với cộng đồng: Chuẩn bị phòng chống thiên tai tạo cơ hội cho khu vực tư nhân gắn kết tốt hơn với cộng đồng mà họ phục vụ. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân xây dựng mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn với các đối tác, bao gồm chính phủ, các tổ chức nhân đạo và các nhóm cộng đồng.