Khuyến nghị thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam

BY ON 30-09-2013 IN Lập kế hoạch, Trách nhiệm xã hội (TNXH) Comments Off

Khi được hỏi là doanh nghiệp có ý kiến hay đề xuất gì để có thể thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện tốt hơn công tác này thì rất ít doanh nghiệp đưa ra ý kiến (18% doanh nghiệp có ý kiến và đề xuất, còn lại không có ý kiến gì hoặc không đưa ra trả lời). Các ý kiến đưa ra xoay quanh các vấn đề dưới đây:

Khuyến nghị thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt NamCó chính sách ưu đãi về vay vốn, sản xuất kinh doanh, thuế thì sẽ dễ huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp hơn. Theo tính toán hiện nay của các doanh nghiệp thì chi phí phòng chống thiên tai có ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty, chính vì vậy nên có chính sách trừ chi phí thuế cho doanh nghiệp thì mới có thể khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động này (bao gồm cả các chi phí liên quan đến xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó). Về phía nhà nước và chính quyền địa phương, cần có quy hoạch tổng thể, chính xác, lâu dài cho xây dựng cơ sở hạ tầng, qua đó giảm thiểu tác động của thiên tai.

Đề nghị các đơn vị khi xây dựng hoạt động hỗ trợ phòng chống, khắc phục rủi ro thiên tai cần minh bạch các hoạt động của mình. Sau khi vận động các doanh nghiệp, cần gửi báo cáo thu chi, biên bản hỗ trợ (bản sao) cho các cá nhân, đơn vị thiệt hại để tạo niềm tin cho các doanh nghiệp đã hỗ trợ cho hoạt động từ thiện, nhận đạo, cứu trợ.

Chính phủ cần có các chương trình đào tạo về hỗ trợ thiên tai nhằm giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội tiếp cận và hiểu rõ hơn về lợi ích của các hoạt động này đối với cộng đồng và xã hội.

Cần xây dựng chính sách cũng như các hướng dẫn cụ thể giúp doanh nghiệp tham gia, đặc biệt nhấn mạnh lợi ích lâu dài và phát triển bền vững cho doanh nghiệp (nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa quan tâm đến sự phát triển bền vững và lâu dài của doanh nghiệp – kế hoạch kinh doanh bền vững và kế hoạch phòng ngừa và ứng phó thiên tai cũng đều chưa có).

Doanh nghiệp phát triển thì kinh tế phát triển, khi thiên tai xảy ra mới có thể hỗ trợ được cộng đồng, chính vì vậy cần có sự hỗ trợ tích cực của nhà nước nhằm thúc đẩy công tác này trong doanh nghiệp. Từ trước đến nay, sau khi thiên tai xảy ra, mọi nỗ lực đều nhằm vào cộng đồng, ít ai quan tâm đến doanh nghiệp để doanh nghiệp phục hồi nhanh, người lao động có thể quay trở lại doanh nghiệp làm việc sớm để ổn định sản xuất kinh doanh phục vụ cộng đồng.

Theo nhóm nghiên cứu, việc thúc đẩy các hoạt động TNXH trong thời điểm hiện tại là thực sự khó khăn vì các doanh nghiệp đang trong thời điểm khó khăn về kinh tế. Vì vậy cần có những hoạt động cụ thể nhằm đưa vấn đề trách nhiệm xã hội vào các doanh nghiệp, nếu không thì những kết quả tăng trưởng kinh tế sẽ khó có thể bù đắp nổi hậu quả về môi trường và xã hội sau này. Chính vì thế, cần làm cho các doanh nghiệp hiểu rằng TNXH của doanh nghiệp không chỉ trong phạm vi hoạt động từ thiện, và cần chỉ ra rằng việc thực hiện TNXH sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp. Cần có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp đầu tư cam kết thực hiện trách nhiện xã hội. Bên cạnh đó, cần đề xuất xây dựng một hành lang pháp lý bắt buộc các doanh nghiệp phải thực thi trách nhiệm xã hội một cách đầy đủ và nghiêm túc. Dựa trên các khuyến nghị của doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị sau đây nhằm thúc đẩy việc thực hiện TNXH của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Cần có hỗ trợ ban đầu tạo động lực cho doanh nghiệp thực hiện TNXH:

TNXH của doanh nghiệp là một quá trình thực hiện liên tục, lâu dài và không đòi hỏi nhiều chi phí. Cần nhất là thời gian, sự sẵn sàng và những năng lực cơ bản để nghiên cứu và xây dựng kế hoạch và chiến lược thực hiện. Hiện nay hầu như chưa có hoạt động hỗ trợ nào thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện TNXH trong lĩnh vực QLRRTT. Chính vì vậy, cần có sự hỗ trợ ban đầu để giúp các doanh nghiệp mong muốn áp dụng TNXH chứ không phải là bị ép buộc để thực hiện.  Để đạt được mục tiêu này cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, v.v..

 Truyền thông, đối thoại xã hội:

Để doanh nghiệp hiểu thêm về TNXH (nhất là trong lĩnh vực QLRRTT), cần có những cuộc đối thoại và trao đổi với các bên liên quan, thiết lập và duy trì mạng lưới, thuyết phục các doanh nghiệp về tầm quan trọng khi đầu tư kinh phí và thời gian vào TNXH trong QLRRTT. Bên cạnh đó, việc chia sẻ kinh nghiệm để cải thiện nhận thức, hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ tìm ra giải pháp tốt nhất thông qua mạng lưới các cơ quan chính phủ, các hiệp hội doanh nghiệp và đối tác quốc tế cũng là điều cần thiết. Ngoài ra, cần nâng cao vai trò, nhận thức, và hiểu biết của giới truyền thông về TNXH trong QLRRTT, qua đó họ có thể hỗ trợ những cuộc đối thoại một cách hiệu quả hơn.

Doanh nghiệp cần đầu tư thời gian và một khản ngân sách nhỏ:

Hầu hết doanh nghiệp tại Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa thấy được cơ hội và lợi ích mà TNXH mang lại. Thêm vào đó doanh nghiệp vẫn ở trong vòng luẩn quẩn: thiếu ngân sách do phải cạnh tranh gắt gao về giá, sử dụng không hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng (bao gồm cả chất lượng sản phẩm và chất lượng nguồn nhân lực). Chính vì vậy, doanh nghiệp luôn luôn chịu sức ép về tài chính và thời gian để thực hiện những hợp đồng mới với thời hạn gấp rút. Đó là những lý do cản trở việc thực hiện TNXH của các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực QLRRTT. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần phải đầu tư thời gian và một khoản ngân sách nhỏ.

Hỗ trợ xây dựng chiến lược thực hiện TNXH ở một số doanh nghiệp lựa chọn:

Việc tiết kiệm năng lượng và các tài nguyên khác giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí.

Trong khi đó việc tạo dựng môi trường làm việc tốt, an toàn và bảo đảm sức khỏe cho người lao động sẽ giúp doanh nghiệp thu hút những nhân công có tay nghề cao, qua đó cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp. Thực hiện TNXH, doanh nghiệp sẽ chuyển từ thế bị động sang chủ động. Chính vì vậy, cần có sự hỗ trợ giúp các doanh nghiệp xây dựng chiến lược TNXHDN cho chính doanh nghiệp mình, bao gồm những bước rất cụ thể, với thời gian và kết quả cụ thể để khi thực hiện doanh nghiệp nhìn thấy những kết quả ban đầu, họ sẽ tiếp tục tiến hành những bước tiếp theo. Hướng dẫn doanh nghiệp lồng ghép chiến lược thực hiện TNXH vào trong chiến lược kinh doanh có thể phát triển theo hướng tích cực và bền vững hơn.

Tăng cường sự tham gia của nhân viên và khách hàng vào các hoạt động liên quan đến TNXH và hỗ trợ từ thiện để nâng cao sự trung thành của nhân viên và khách hàng:

Doanh nghiệp cần phải tăng cường sử dụng các kênh thông tin nội bộ để giúp nhân viên tham gia vào các hoạt động TNXH và hỗ trợ cộng đồng hiểu và tự hào về doanh nghiệp của mình. Không chỉ cung cấp thông tin, mà doanh nghiệp cần tạo điều kiện cho người lao động tham gia nhiều hơn vào các hoạt động. Tùy vào điều kiện của từng doanh nghiệp mà những chương trình đó có thể rất đơn giản như làm  tiết kiệm điện, năng lượng, nước, giữ vệ sinh chung, trồng cây, dọn dẹp nơi làm việc, chuẩn bị phòng tránh trước mùa mưa bão ….

Tìm hiểu và thực hiện TNXH theo nguyện vọng của nhân viên:

TNXH trước hết cần được thực hiện với nhân viên và nên bắt đầu bằng những việc cơ bản như tạo các điều kiện làm việc tốt, giảm bớt độc hại, cải thiện môi trường làm việc, đóng bảo hiểm xã hội và y tế cho nhân viên… Trong lĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai, cần có kế hoạch phòng ngừa và ứng phó cho chính doanh nghiệp để bảo vệ người lao động và tài sản. Tiến thêm một bước, doanh nghiệp cần thực hiện dựa trên đánh giá nhu cầu  của nhân viên để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ và gia đình, cộng đồng nơi họ sinh sống. Vì  nhân  viên  có  thể  có những nhu cầu khác nhau, nam khác nữ, già khác trẻ, có gia đình khác với độc thân. Nếu làm được như vậy, rõ ràng doanh nghiệp sẽ tạo được sự khác biệt trên thị trường lao động và giữ được nhân viên nếu biết cách tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu của họ một cách cụ thể và chi tiết.

Giao quyền chủ động thực hiện TNXHDN cho nhân viên:

Cách tốt nhất để gắn TNXHDN với nhân viên là nên để cho chính nhân viên tự đề xuất và tổ chức thực hiện những chương trình về TNXH. Ví dụ, nhân viên có thể đề nghị nên thực hiện các hoạt động gì dự án gì, ở đâu, nên tài trợ cho tổ chức nào…. Tất nhiên các quyền chủ động đó phải nằm trong khuôn khổ điều lệ và ngân sách của doanh nghiệp. Nhưng khi có quyền chủ động, nhân viên sẽ thấy mình thật sự là một phần quan trọng của doanh nghiệp, sẽ thấy việc của doanh nghiệp cũng là của mình. Qua đó nhân viên cũng sẽ thấy tự hào, gắn kết hơn với doanh nghiệp và muốn ở lại lâu hơn để cùng nhau thực hiện những điều cần làm.