Sáng 14.6, Ban Quản lý các Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi phối hợp với Trung tâm Giáo dục và phát triển, Quỹ Châu Á tổ chức diễn đàn “Hỗ trợ pháp lý và công tác phòng chống rủi ro thiên tai cho doanh nghiệp”. Tham dự diễn đàn có 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê, từ năm 1964 đến nay đã có hàng trăm cơn bão đổ bộ vào Quảng Ngãi. Trong đó, tần suất bão hoạt động nhiều nhất là năm 2007 và năm 2008. Trong giai đoạn 2010-2015, Quảng Ngãi chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của 23 đợt lũ, 47 cơn bão, 22 đợt áp thấp nhiệt đới và nhiều đợt lốc, sét làm 84 người chết, 240 người bị thương, hơn 3.000 ngôi nhà bị hư hỏng, sập đổ, tổng giá trị thiệt hại gần 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, nắng nóng gây gắt cùng với các đợt không khí lạnh cường độ mạnh diễn ra trong các năm qua cũng làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Trước diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã quan tâm tới công tác phòng tránh thiên tai. Tuy nhiên, phần lớn còn thiếu sự chuẩn bị cần thiết và hiệu quả để phòng tránh và giảm thiểu tác động của thiên tai. Số liệu khảo sát nêu tại diễn đàn cho thấy, có 46% doanh nghiệp chưa có kế hoạch phòng tránh thiên tai, 33% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch nhưng không có đủ năng lực và nguồn lực để thực hiện công tác này. Có 35% doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, còn lại là thiệt hại ít và không đáng kể. Thiên tai làm gián đoạn các hoạt động kinh tế, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây tổn thất về người, tài sản, môi trường và các điều kiện sống của con người và tất cả mọi sự sống trên trái đất. Phòng ngừa, ứng phó giảm nhẹ rủi ro thiên tai là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành, mỗi doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Tham gia diễn đàn, các đại biểu được nghe phổ biến các nội dung cơ bản của Luật phòng, chống thiên tai; các phương án phòng ngừa, ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai; các quy định về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp; các giải pháp để doanh nghiệp giảm nhẹ tác động rủi ro thiên tai; lập phương án phòng ngừa ứng phó khẩn cấp rủi ro thiên tai, phương án bảo vệ con người, tài sản; phương án thông tin và phương tiện sử dụng trong ứng phó khẩn cấp rủi ro thiên tai,…
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện các biện pháp phòng ngừa và ứng phó với thiên tai tại doanh nghiệp đóng trong khu công nghiệp; thảo luận làm thế nào thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp về quản lý rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu cho doanh nghiệp đóng trong các Khu kinh tế, Khu công nghiệp/Khu chế xuất nói riêng và các doanh nghiệp nói chung; làm thế nào đảm bảo 100% doanh nghiệp có bản kế hoạch phòng chống thiên tai theo quy định của Luật phòng chống thiên tai.
Bùi Ngọc