Doanh nghiệp thủy sản và việc ứng phó với biến đổi khí hậu

BY ON 25-09-2013 IN Hoạt động dự án, Thông tin cần biết, Tin tức Comments Off

Bên lề hội thảo “Doanh nghiệp và vấn đề quản trị rủi ro thiên tai” do phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI ) phối hợp với Quỹ Châu Á (TA F) tại Việt Nam tổ chức hôm 8/3/2013 tại Hà Nội, phóng viên Tạp chí Thương mại Thủy sản đã trao đổi với bà Tô Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Phát triển (CED), về vấn đề phòng tránh và giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu đối với DN thủy sản Việt Nam.

Bà Tô Kim Liên ( ngoài cùng, bên trái) trong lễ trao giải thưởng 
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) cho các doanh nghiệp 
trong vùng Châu Á Thái Bình Dương

PV: Bà đánh giá như thế nào về tác động của biến đổi khí hậu đối với DN Việt Nam nói chung và DN thủy sản nói riêng ?

“Chưa bao giờ ngành thủy sản phải đối mặt với nhiều thách thức cả trong và ngoài nước như thế”, đó là nỗi trăn trở của phần lớn DN hoạt động trong ngành này hiện nay.
 
Bà Tô Kim Liên,Giám đốc Trung tâm Giáo dục Phát triển (CED)

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, các nhà NK, đặc biệt là ở châu Âu – thị trường NK thủy sản lớn và tiềm năng của Việt Nam – đều giảm sức mua. Trong tám tháng đầu năm Biến đổi khí hậu ngày càng bộc lộ rõ ở Việt Nam. Thiên tai xảy ra trong những năm vừa qua rất khắc nghiệt và được dự báo sẽ ngày càng khắc nghiệt, khó lường hơn, gia tăng cả về cường độ và tần suất. Người dân, DN và các thành phần xã hội khác phải gánh chịu những rủi ro thiên tai lớn hơn bao giờ hết. Việt Nam có hơn 240.000 DN nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm gần 98% tổng số DN cả nước, sử dụng trên 50% lao động xã hội và có mặt trên khắp các vùng miền. Hầu hết DN thủy sản nằm trong số này.

Các DNNVV không chỉ đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của đất nước mà còn tạo ra hàng triệu việc làm mỗi năm, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội. Tuy không có con số thống kê chính xác về các thiệt hại do thiên tai gây ra riêng cho các DNNVV, nhưng con số này chắc chắn phải lên đến nhiều nghìn tỷ đồng, trong đó nhiều DN mất trắng tài sản dẫn tới phá sản và nhiều người lao động mất việc làm.

Riêng các DN thủy sản, mức độ dễ tổn thương do thiên tai còn cao hơn, vì hầu hết đều nằm ở những vùng dễ bị thiên tai, hoặc dễ bị mất nguồn cung ứng nguyên liệu khi có thiên tai. Nhưng trên thực tế, rất nhiều DN chưa có kế hoạch ứng phó với rủi ro thiên tai, hoặc đã có nhưng còn sơ sài và chung chung, nên khi thiên tai xảy ra, DN lúng túng và bị thiệt hại.

PV: DN thủy sản cần làm gì trước hết để phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu?

Cũng như các DN khác, DN thủy sản cần xác định các hoạt động thiết yếu nhất mà mình buộc phải duy trì trong tình huống thiên tai và sắp xếp được thứ tự ưu tiên cho các hoạt động đó, từ đó lập ra kế hoạch ứng phó với thiên tai. Kế hoạch này được lập ra nhằm chuẩn bị phòng ngừa và ứng phó khi xảy ra thiên tai và khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất kinh doanh sau thiên tai. DN cần xác định cả những hoạt động phải thực hiện ngay từ trước khi thiên tai xảy ra, như gia cố nhà xưởng và cơ sở vật chất, mua bảo hiểm, v.v…

PV: Khó khăn lớn nhất có thể xảy ra khi áp dụng kế hoạch đó là gì?

Nói chung, nhiều DN vẫn ứng phó với thiên tai dựa trên những kinh nghiệm rút ra từ những đợt thiên tai trước, mà chưa dựa trên những kiến thức chuyên môn và các kỹ năng được đào tạo. Đặc biệt, các DN thủy sản quy mô nhỏ thường không đủ năng lực đầu tư nâng cấp nhà xưởng, kho bãi đến mức bền vững cần thiết. Khi đó, cần có những chương trình hỗ trợ (ví dụ cho vay ưu đãi) để đầu tư, thực hiện các biện pháp gia cố, phòng ngừa giúp họ nâng cao khả năng chống chịu với thiên tai vì đây chính là những DN dễ bị tổn thương nhất.

PV: Hiện nay đã có dự án hỗ trợ cộng đồng giúp các DN thủy sản Việt Nam phòng chống và giảm nhẹ thiên tai như vậy chưa?

Theo tôi biết, cho đến nay, ngoài dự án “Tăng cường mối quan hệ đối tác Nhà nước và tư nhân trong quản lý rủi ro thiên tai và ứng phó của cộng đồng tại Việt Nam”, triển khai tại 5 tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Bình Định và Khánh Hòa, do USAID và Quỹ Châu Á hỗ trợ, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI), ở Việt Nam không có chương trình hay dự án nào khác về quản lý rủi ro thiên tai cho cộng đồng DN.

PV: Các DN vẫn xem Nhà nước là nhân tố quyết định trong các hoạt động phòng tránh thiên tai mà chưa thấy được vai trò quan trọng góp phần phòng, tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai của bảo hiểm. Bà nghĩ sao về vấn đề này? 

DN muốn tăng cường khả năng phòng ngừa và ứng phó với thiên tai thì phải thực hiện một loạt hoạt động và giải pháp, trong đó có chính sách bảo hiểm phù hợp là yếu tố hết sức rất quan trọng, giúp DN phục hồi nếu bị thiệt hại. Các DN thường mua bảo hiểm liên quan đến cơ sở vật chất và hàng hóa. Việc mua bảo hiểm không thể thay thế cho việc xây dựng kế hoạch ứng phó trong tình huống khẩn cấp (hay còn gọi là kế hoạch duy trì sản xuất kinh doanh trong tình huống thiên tai). Bản kế hoạch này có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ con người và tài sản thiết yếu của DN. DN phải chủ động lên kế hoạch bảo vệ những phần mà bảo hiểm thiên tai chưa bảo hiểm. Nếu DN đã có kế hoạch trên, khi xem xét các chính sách bảo hiểm cũng là thời điểm DN, rà soát đánh giá lại những công việc và nhiệm vụ đặt ra trong đó, xem có cần điều chỉnh và bổ sung không.

Một mặt khác, theo tôi, Nhà nước vẫn có vai trò rất quan trọng. Thực tế cho thấy hiện nay các DN, nhất là DNNVV, hầu hết đều chưa có kế hoạch này. Lãnh đạo nhiều DN chưa ý thức được tầm quan trọng, cũng chưa bố trí thời gian và nguồn lực để thực hiện. Vì thế cần có chính sách khuyến khích thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và bắt buộc phải xây dựng kế hoạch ứng phó trong tình huống khẩn cấp để bảo vệ sự an toàn của người lao động và tài sản chính của DN.

PV: Bà có thể chia sẻ với các DN thủy sản cách thức và những việc cần làm trong quá trình xây dựng bản kế hoạch nói trên?

Trước hết, DN cần tổ chức nhóm xây dựng kế hoạch và đánh giá khả năng và mức độ sẵn sàng ứng phó với thiên tai của DN mình, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch. Nhóm xây dựng kế hoạch phải nắm vững nghiệp vụ xây dựng kế hoạch kinh doanh, vì kế hoạch phòng ngừa và ứng phó với rủi ro thiên tai gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Từ đó, DN xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó theo các hướng dẫn và phương pháp xây dựng kế hoạch chung. Các kiến thức và kỹ năng này có thể học thông qua các lớp tập huấn hoặc tham khảo tài liệu hướng dẫn tại địa chỉ http://www.ungphothientai.com/

Có rất nhiều tài liệu hướng dẫn, biểu mẫu, … đã được xây dựng và nhiều DN Việt Nam đã áp dụng. Các bản kế hoạch cần rất chi tiết, phân công nhiệm vụ rõ ràng và cụ thể cho các phòng ban và từng cá nhân có trách nhiệm trước, trong và sau thiên tai. Sau khi xây dựng kế hoạch cần thử nghiệm hoặc diễn tập xem có phù hợp với thực tiễn không, sau đó điều chỉnh nếu cần. Tiếp theo là phổ biến cho người lao động trong DN để họ nắm được những việc cần làm trong tình huống thiên tai. Những việc trên phải tiến hành trước khi thiên tai xảy ra. Sau mỗi đợt thiên tai cần điều chỉnh bản kế hoạch dựa trên kinh nghiệm và bài học thực tế. Đối với các DN thủy sản, phương án dự phòng về nguyên liệu và lao động là hết sức quan trọng, cần ưu tiên xây dựng để DN có thể trở lại hoạt động ngay sau khi thiên tai qua đi.


PV: Bà đánh giá thế nào về mức độ tương trợ giữa các DN Việt Nam khi xảy ra thiên tai?

Khảo sát do chúng tôi tiến hành năm 2011 trong khuôn khổ dự án do USAID và TAF hỗ trợ cho thấy, đa số DN đều nhận thức được tầm quan trọng của sự hợp tác, hỗ trợ nhau trong và sau khi xảy ra thiên tai. Cụ thể, 100% DN cho rằng cần phải chia sẻ nguồn lực trong trường hợp khẩn cấp do thiên tai bão lũ gây ra; 98% cho rằng việc hợp tác với các DN cùng ngành nghề để cùng triển khai các hoạt động giảm nhẹ thiên tai là cần thiết.

Tuy nhiên, trên thực tế, sự hợp tác cũng như tương trợ lẫn nhau giữa các DN trong lĩnh vực này còn rất hạn chế. Có một số ít DN có hỗ trợ nhau sau khi thiên tai xảy ra và có thiệt hại, nhưng hầu như chưa có sự hợp tác và hỗ trợ nào trong công tác chuẩn bị và phòng ngừa. Theo tôi, cần khuyến khích sự hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm giữa các DN quy mô lớn với DN quy mô nhỏ, hoặc các DN có kinh nghiệm quản lý rủi ro thiên tai với các DN còn ít kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

PV: Xin cảm ơn bà.

Nguyễn Thị Hồng Hà