Một số cách chuẩn bị phòng chống lụt bão rút ra từ kinh nghiệm của người dân ở Miền Trung để giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Có nhiều kinh nghiệm đơn giản, chỉ mất một ít công sức nhưng mang lại hiệu quả cao như:
- Trước mùa mưa lũ các gia đình cần chặt bớt các cành cây sâu, cành cây chĩa vào gần nhà để phòng gió mạnh bẻ gãy, văng vào nhà.
- Nếu nhà yếu thì đóng cọc 4 góc, dùng dây thép néo chặt, nhà lợp bằng rơm rạ, cây cói, lá cọ, lá dừa thì đan phên thưa phủ kín nóc rồi buộc chặt để tránh gió xoáy làm tốc mái.
- Nhà lợp bằng ngói thì dùng xi măng gắn liên kết lại, nếu lợp ngói Phibrô ximăng thì dùng bao cát đè lên.
Trong cái khó ló cái khôn
Rút kinh nghiệm từ bão Xangsane, ông Lê Văn Rời (87 tuổi), cư trú tại thôn Phú Túc xã Phú Hoà (Hòa Vang – Đà Nẵng) đã tự mày mò xây hầm để tránh bão. Khi bão số 9 đánh vào thì toàn gia đình cùng nhiều người hàng xóm được cư trú nhờ trong hầm đã an toàn.
Ông Rời tâm sự “chỉ cần mấy bao xi măng, hai xe cát sỏi tốn chưa tới hai triệu đồng là có hầm kiên cố. Vùng này năm nào cũng xảy ra bão và gió lốc nên dân phải tránh nạn suốt. Nếu nhà nào cũng xây được hầm thì không phải lo lắng mỗi khi có bão về nữa”.
Trước đây cả miền Trung phải đào hầm để tránh bom đạn của kẻ thù; thì ngày nay sáng kiến làm hầm tránh bão trên cần được nhân rộng. Vì vậy, các hộ gia đình nơi đây nên tự làm cho mình một chiếc hầm tránh bão. Để cho các cơn bão tới miền Trung giảm thiểu được nhiều mọi thiệt hại nhất là về người.
Có thể chứng minh rằng việc sống chung cùng lũ lụt đã được cha ông xưa đúc kết với những kết cấu ngôi nhà xưa một cách rõ nét. Nhà nào cũng có những căn gác lửng gần mái (người dân miền trung gọi là tra), những thức ăn như cốm gạo, mì tôm vẫn được dự trữ trong nhà mỗi mùa mưa lụt đến. Cứ mưa to, nước dâng là cả nhà gồm 6-10 người từ ông bà, bố mẹ, con cái lại lên tra ngồi mà không lo gì cả với những thứ dự trữ đã có sẵn mỗi khi mưa lớn kéo về.
Sau trận lũ lịch sử năm 1999 thì những cái tra ấy có vẻ không còn giá trị nữa khi dòng nước đã lên hơn chóp mái nhà thì người dân quê đã nhận thức được cần có những biện pháp xa hơn, với tầm nhìn rộng hơn vì “lũ lụt càng ngày càng khắc nghiệt – nước về nhanh hơn, cao hơn và lâu hơn”.
Thế rồi sau cơn lụt năm 1999, dân quê cũng dần dần xây nhà theo kiểu chóp mái đã có thêm mái hiên bằng để mỗi mùa lụt về có thể thoát ra dễ dàng nếu nước dâng lên cao. Mỗi xóm hầu hết điều có những con thuyền lớn để khi lụt về có thể chuyển người lên phía cao hơn một cách nhanh chóng.
Nhiều mẫu nhà chống bão thuộc Dự án Phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại về nhà ở do bão gây ra ở miền Trung (DW) đã được xây dựng ở nhiều địa phương tại TT-Huế. Và các mẫu nhà này vừa nhận giải thưởng quốc tế về nhà ở năm 2008 do Quỹ Xây dựng nhà ở xã hội được bảo trợ bởi Chương trình định cư Liên hợp quốc trao tặng. Những ngôi nhà chống bão theo tiêu chuẩn an toàn được xây dựng tại TT-Huế đều có thiết kế, kỹ thuật xây dựng khá đơn giản, cộng với giá thành chỉ cao hơn các ngôi nhà bình thường từ 3-5% rất thích hợp với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển đầm phá có nguy cơ thiệt hại do bão gây ra.
Nhà chống bão khi xây dựng phải đảm bảo theo đúng 10 tiêu chuẩn, đảm bảo rằng các bộ phận nền móng, tường, kết cấu mái và kết cấu bao che đều được liên kết và neo giữ chắc với nhau, cửa ra vào, cửa sổ phải khít, đủ then, chốt để khoá, giằng chống được, đồng thời trồng cây xung quanh nhà để chắn gió.
Thực tế, nếu xây dựng theo qui chuẩn một ngôi nhà chống bão có giá thành chỉ cao hơn nhà bình thường từ 3-5% rất thích hợp với những vùng đầm phá, ven biển.Hiệu quả của việc xây dựng nhà chống bão đã được minh chứng qua các đợt bão lụt trên địa bàn TT-Huế, những ngôi nhà thực hiện đúng qui cách ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc đều an toàn vượt qua lũ bão. Với việc đầu tư kinh phí không quá lớn để có một ngôi nhà an toàn nên người dân các địa phương đã học tập và xây dựng hàng ngàn nhà theo qui chuẩn chống bão.
Gia cố nhà cửa trước khi cơn bão đến
- Nếu ngôi nhà của bạn ở vị trí an toàn khi bão lũ hoành hành thì cũng nên gia cố và bảo vệ căn nhà trước khi bão đổ bộ vào. Những vị trí yếu nhất của căn nhà là: Mái nhà, cửa ra vào, các cửa sổ, các mái hiên. Gia cố bằng cách chằng buộc chắc chắn, dán băng keo vào các cửa kính, đóng tất cả các cửa sổ gỗ…
- Điện có thể sẽ bị cắt trong khi bão lũ đang hoành hành tại khu vực bạn sinh sống. Nhưng nếu nhà đang bị ngập lụt và có nguy cơ chập điện, bạn hãy chủ động cắt nguồn điện cung cấp.Nên tự trang bị bình ắc quy để sử dụng cho những thiết bị thực sự cần thiết. Đừng cố gắng chạy máy phát điện, hoặc nổ máy xe gắn máy để lấy ánh sáng từ đèn pha trong nhà kín vì khi hoạt động chúng sẽ sinh ra khí CO – khí độc có thể giết chết cả nhà do bị ngạt.
- Sẽ rất nguy hiểm nếu vị trí nhà ở của bạn ở cạnh hoặc rất gần sông, suối, khu vực có nguy cơ sạt lở đất. Vì vậy, bạn cần có kế hoạch thay đổi, hoặc chuyển đến những khu vực an toàn hơn. Nếu chưa có điều kiện, hãy chủ động sơ tán, hoặc di chuyển đến những khu vực an toàn hơn khi có tin chính thức về bão lũ.
Đề phòng nắp hố ga trên đường
- Luôn luôn mang theo điện thoại di động khi bạn quyết định ra ngoài.
- Tránh xa các đường dây điện, cột điện bị ngã đổ.
- Tránh xa cây đổ, không tìm cách vượt qua các cây đổ chắn ngang đường vì có thể dây điện đang bị mắc vào.
- Ghi nhớ các vị trí có các công trình xây dựng vì có thể có các hố sâu và bạn không thể nhìn thấy do chúng bị ngập lụt.
- Nên có gậy chống khi đi trên đường bị ngập lụt để dò đường bởi các nắp hố ga thoát nước trên đường có thể đã bị cuốn trôi, trở thành hố tử thần.
- Không sử dụng nguồn nước ngầm trong khu vực đang bị ngập lụt.
- Nếu đang ở vị trí sơ tán thì chớ quay lại nhà ở tới khi các cấp chính quyền cho phép bởi nguy cơ sạt lở đất, lũ quét… có thể vẫn còn tồn tại ngay cả khi bão đã tan.
- Khi công ty điện lực khôi phục và sửa chữa để cung cấp điện trở lại, hãy chú ý tắt toàn bộ các thiết bị, hoặc ngắt chúng ra khỏi nguồn điện trước khi bạn quyết định đóng cầu dao tổng cung cấp điện cho ngôi nhà.Nên kiểm tra toàn bộ các thiết bị điện trước khi sử dụng. Tuyệt đối không dùng các thiết bị điện đã bị ngấm nước hoặc chìm trong nước trong khi bão lũ. Không nên mở hoặc tháo các thiết bị điện và tự ý sửa chữa chúng.
Bùi Hải Nguyên sưu tầm internet