Các văn bản và các tổ chức có liên quan đến trách nhiệm xã hội doanh nghiệp ở Việt Nam

BY ON 01-10-2013 IN Lập kế hoạch, Trách nhiệm xã hội (TNXH) Comments Off

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, các tiêu chuẩn TNXH đang trở thành một trong những điều kiện trong buôn bán thương mại. Các doanh nghiệp và tập đoàn trên thế giới, ngày càng nỗ lực đầu tư, cải tiến, để đáp ứng các tiêu chuẩn lao động và môi trường nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Việt Nam đã có một số chính sách nhằm thúc đẩy việc đáp ứng tiêu chuẩn liên quan đến các vấn đề lao động và vệ sinh môi trường. Trong lĩnh vực QLRRTT thì mới chỉ có một số định hướng và chiến lược liên quan.

Các văn bản liên quan:

Các văn bản và các tổ chức có liên quan đến trách nhiệm xã hội doanh nghiệp ở Việt NamChính phủ Việt Nam đã khẳng định cam kết với quốc tế về  phát triển bền vững đó là: Kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường thông qua một loạt các chiến lược như: Chiến lược phát triển bền vững; Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân; Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia. Các chiến lược này được đưa ra nhằm ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, phục hồi suy thoái và nâng cao chất lượng môi trường, bảo đảm cho mọi người dân đều được sống trong môi trường có chất lượng tốt về không khí, đất, nước, cảnh quan và các nhân tố môi trường đạt chuẩn mực do nhà nước qui định. Giảm các yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng; phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, tật; góp phần phát triển thể chất, tinh thần, nâng cao tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện chất lượng giống nòi.

Để thực hiện các chiến lược đó, chính phủ đưa ra một loạt các chương trình quốc gia: Chương trình Quốc gia an toàn- vệ sinh lao động; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Chương trình Mục tiêu Quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước. Các chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước, một số chương trình tập trung hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp và các khu vực có nguy cơ cao về an toàn vệ sinh lao động.

Các tổ chức có liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (TNXHDN):

Hiện nay, tại Việt nam, một số tổ chức đại diện giới chủ như VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đã và đang tiến hành các chương trình hội thảo, hội nghị bàn tròn, đào tạo về các nội dung liên quan đến TNXHDN, triển khai ứng dụng các mô hình áp dụng hiệu quả tại một số nhà máy…nhằm thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện TNXHDN ở Việt Nam đồng thời nội dung về TNXHDN cũng được mở rộng hơn.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Liên đoàn Lao động Đức đã triển khai dự án nâng cao nhận thức về TNXHDN cho cán bộ công đoàn các cấp bao gồm cả cán bộ công đoàn của doanh nghiệp.

Các tổ chức phi chính phủ quốc tế có những hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp trong thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua các hoạt động: Chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp; tư vấn, đào tạo về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp; quảng bá các hình ảnh, mô hình áp dụng thành công trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp; hỗ trợ về tài chính; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Việt Nam có website và diễn đàn về TNXHDN: http://www.vietnamforumCSR.net.  Mạng lưới doanh nghiệp xã hội ngày càng phát triển qua sự hỗ trợ kỹ thuật tài chính của các tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam như DED, SNV, PACT…

Các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam cũng hỗ trợ tích cực quá trình thực hiện TNXH cho các doanh nghiệp thông qua các hội thảo, đào tạo, tư vấn và các dự án nhỏ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chú trọng nhiều trong khu vực làng nghề. Tuy nhiên, rất ít tổ chức hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động TNXH trong lĩnh vực QLRRTT. Cho đến nay, vận động kinh phí đáng kể nhất từ các doanh nghiệp để hỗ trợ các chương trình phòng ngừa và ứng phó cho cộng đồng là Quỹ hỗ trợ Thiên tai Miền Trung.

Ngoài ra có các tổ chức và công ty tư vấn cấp chứng chỉ, tư vấn xây dựng hệ thống quản trị TNXH cho các doanh nghiệp, đào tạo về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp; quảng bá các hình ảnh, mô hình áp dụng thành công trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp, đánh giá cấp chứng chỉ ISO, SA8000 cho các doanh nghiệp.

Phương tiện truyền hình, phát thanh, báo giới (báo viết, báo điện tử) cũng đóng vai trò tích cực, phản ánh các điển hình tốt về doanh nghiệp trong việc thực hiện tốt TNXH đồng thời cũng phê phán các doanh nghiệp ứng xử thiếu có đạo đức, thiếu trách nhiệm đối với người lao động và cộng đồng.

Quá trình thực hiện TNXHDN tại Việt Nam

TNXHDN được đưa vào Việt Nam thông qua các tập đoàn bán buôn, bán lẻ (các nhà nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam) bằng việc đưa ra các yêu cầu về tiêu chuẩn xã hội đối với các doanh nghiệp Việt Nam (nhà cung cấp hàng hóa). Các nội dung này được đưa ra dưới dạng các bộ quy tắc ứng xử (CoC) và tập trung chủ yếu các doanh nghiệp có xuất khẩu của Việt Nam trong các ngành: Dược phẩm, Dệt may, Da giày, Điện tử, Nhựa, Gỗ, Giấy, Thủy sản, Gốm sứ, đồ chơi… Nội dung của các bộ quy tắc ứng xử về cơ bản đều viện dẫn trên các điều luật của luật pháp quốc gia như luật lao động, luật doanh nghiệp, luật bảo vệ môi trường, luật công đoàn…Việc thực hiện các bộ quy tắc ứng xử không đòi hỏi phải lấy chứng chỉ.

Hiện nay tiêu chuẩn ISO 26000[1] được coi là hướng dẫn thực hiện TNXH cho mọi tổ chức doanh nghiệp bao gồm 7 nội dung cơ bản: Thực thi chính sách lao động, chính sách môi trường, người tiêu dùng, điều hành doanh nghiệp, phòng chống tham nhũng, đảm bảo quyển con người và phát triển cộng đồng.

Các doanh nghiệp Việt Nam tích cực cải thiện các hệ thống quản lý để có thể đạt được các chứng chỉ quản lý chất lượng, môi trường, an toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm, sản xuất an toàn…. Chính sách khuyến khích, khen thưởng của chính phủ, các tổ chức hiệp hội ngành nghề, các tổ chức quốc tế đã tạo nên hình ảnh các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh có đạo đức, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội hướng tới sự phồn vinh và phát triển bền vững. Giải thưởng TNXHDN là giải thưởng được tổ chức hàng năm, bắt đầu được tổ chức ở Việt Nam từ năm 2005. Đến nay giải thưởng đã được trao cho hàng trăm doanh nghiệp tham gia ở tất cả các ngành, các lĩnh vực các loại hình, các quy mô từ lớn đến nhỏ và vừa. Giải thưởng được sự tham gia, tài trợ của các tổ chức quốc tế , các tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức phi chính phủ quốc tế…Giải thưởng tôn vinh và biểu dương các doanh nghiệp thực hiện tốt TNXHDN.

Như vậy có thể thấy, quá trình thực hiện TNXHDN Việt Nam đang thay đổi cả về nội dung lẫn hình thức thực hiện. Những hoạt động từ thiện và hỗ trợ cộng đồng được các doanh nghiệp tích cực tham gia và ủng hộ, đặc biệt là ủng hộ các vùng bị thiên tai, ủng hộ cuộc vận động xoá đói giảm nghèo, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với người có công, ủng hộ những nhóm người thiệt thòi như khuyết tật, nạn nhân chiến tranh và một số có đóng góp cho phát triển địa phương như các công trình giáo dục, y tế vui chơi cho trẻ em nghèo…



[1] ISO 26000 là một Tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (gọi tắt là ISO) đưa ra hướng dẫn về trách nhiệm xã hội. Tiêu chuẩn này được áp dụng cho các tổ chức ở mọi loại hình, cả ở lĩnh vực công cộng lẫn tư nhân, tại các nước phát triển và đang phát triển, cũng như các nền kinh tế chuyển đổi. Tiêu chuẩn này sẽ hỗ trợ các tổ chức trong nỗ lực thực hiện trách nhiệm xã hội theo yêu cầu ngày càng tăng của xã hội. ISO 26000 bao gồm hướng dẫn tự nguyện, không có các yêu cầu, và do đó nó không được sử dụng như một tiêu chuẩn chứng nhận giống như tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và ISO 14001:2008.