Các kênh nhận hỗ trợ và đóng góp từ thiện hiện nay

BY ON 01-10-2013 IN Lập kế hoạch, Trách nhiệm xã hội (TNXH) Comments Off

Hiện nay, ở Việt Nam các doanh nghiệp đã và đang hỗ trợ QLRRTT theo các kênh dưới đây.

Các kênh chính thức

Mặt trận Tổ quốc; Cơ quan, chính quyền các cấp; Đoàn thể các cấp:

Là kênh tài trợ mà các doanh nghiệp lâu nay đã thường xuyên tham gia, đã vận động người lao động trong doanh nghiệp đóng góp cho các chương trình hỗ trợ cộng đồng trong đó có cứu trợ thiên tai. Tuy nhiên, đóng góp qua các cơ quan này cũng sẽ thường chậm đến cộng đồng hưởng lợi và người tài trợ khó có thể biết được ai là người hưởng lợi của khoản hỗ trợ hay đóng góp của mình.

Quỹ vì người nghèo:

Quỹ “Vì người nghèo” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) thành lập dựa trên quyết định số 235/2000/QĐ-MTTW ngày 15/12/2000 của Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN. Quỹ được thành lập ở 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã. Ở mỗi cấp sẽ có Ban vận động xây dựng, quản lý và điều hành Quỹ. Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì việc vận động xây dựng Quỹ; phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc quản lý, sử dụng Quỹ. Hàng năm, Quỹ này cũng vận động cứu trợ thiên tai. Tuy nhiên,  đây là tổ chức của mặt trận nên Bộ Tài chính hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thu, chi Quỹ theo đúng pháp luật và chế độ tài chính, kế toán, thống kê của Nhà nước nên việc giải ngân thường chậm. Hơn nữa, do hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương khá cồng kềnh, người đóng góp cũng sẽ khó có thể biết đích xác ai là người hưởng lợi trực tiếp của các khoản từ thiện đóng góp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế đóng góp tự nguyện từ các cá nhân và doanh nghiệp theo kênh này.

Các quỹ quyên góp độc lập:

Hiện nay có nhiều quỹ độc lập thành lập theo nghị định số 148/2007/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Các quỹ này  cũng có cũng thể quyên góp và nhận hỗ trợ từ các cá nhân và tổ chức trong đó có doanh nghiệp. Các quỹ này có ưu điểm tổ chức gọn nhẹ hơn và vì vậy hỗ trợ cũng sẽ nhanh đến với cộng đồng hưởng lợi hơn. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp chọn kênh này nên kiểm tra tính hợp pháp và uy tín của tổ chức.

Các quỹ của công ty, doanh nghiệp:

Một số doanh nghiệp trích lợi nhuận sau thuế và thành lập các quỹ riêng để hỗ trợ các hoạt động từ thiện, nhân đạo cho cộng đồng. Các Quỹ này cũng có thể nhận đóng góp từ các thành viên cộng đồng và người lao động của công ty.

Bản thân doanh nghiệp:

Nhiều doanh nghiệp hiện nay tích cực tham gia tổ chức các hoạt động hỗ trợ phối hợp với chính quyền địa phương và trong lĩnh vực cứu trợ thiên tai. Những hỗ trợ trực tiếp này sẽ nhanh chóng đến với người hưởng lợi.

Báo chí, truyền hình:

Đây cũng là một kênh mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn hỗ trợ và đóng góp dành cho cứu trợ thiên tai. Đóng góp qua kênh báo chí và truyền hình có ưu điểm là các khoản đóng góp có thể trực tiếp đến với người hưởng lợi và cộng đồng hưởng lợi.

Các kênh phi chính thức

Chùa chiền, nhà thờ:

Nhiều doanh nghiệp và cá nhân cũng lựa chọn đóng góp và hỗ trợ thông qua các kênh này. Kênh đóng góp này trực tiếp đến người hưởng lợi nhưng hoạt động quy mô nhỏ.

Người trong doanh nghiệp và người ngoài doanh nghiệp:

Nhiều khi người lao động của doanh nghiệp cũng tự tổ chức các hoạt động hỗ trợ.

Kênh khác:

Gần đây, nhiều câu lạc bộ, nhóm sinh viên, hội đồng hương, cơ quan cũng tổ chức các hoạt động hỗ trợ từ thiện khá hiệu quả. Tuy nhiên những nỗ lực này vẫn còn rất nhỏ lẻ và cũng vẫn chỉ tập trung vào công tác cứu trợ.

Theo một số doanh nghiệp, một trong những điểm hạn chế đóng góp của các doanh nghiệp hiện nay là việc sử dụng tài chính do các doanh nghiệp đóng góp trong cứu trợ thiên tai chưa hiệu quả. Thiếu sự chia sẻ thông tin từ các cấp chính quyền, từ các tổ chức xã hội trên địa bàn, thiếu sự hướng dẫn doanh nghiệp một cách cụ thể trong công tác cứu trợ, dẫn đến việc chưa tin tưởng đối với các tổ chức xã hội của địa phương trong việc sử dụng tiền, hàng hoá để cứu trợ thiên tai. Hiện nay, tất cả những đóng góp của doanh nghiệp cũng chỉ mới tập trung vào lĩnh vực cứu trợ khẩn cấp trong và sau thiên tai và rất ít hỗ trợ cho công tác phòng ngừa và ứng phó với thiên tai.