Các biện pháp giảm nhẹ rủi ro thiên tai

BY ON 26-09-2013 IN Các biện pháp giảm nhẹ, Lập kế hoạch Comments Off

Thông thường, giải pháp để phòng ngừa giảm nhẹ RRTT được xếp vào 2 nhóm giải pháp chính: Nhóm giải pháp phi công trình và nhóm giải pháp công trình

Nhóm giải pháp “phi công trình”

Khi nhắc đến quản lý/phòng ngừa rủi ro thiên tai người ta thường nghĩ đến các giải pháp liên quan đến gia cố công trình, nhà xưởng, kho tàng… hay nói cách khác là các giải pháp công trình. Trên thực tế, các giải pháp phi công trình đóng vai trò quan trọng không kém, thậm chí có vai trò quyết định đến khả năng QLRRTT của doanh nghiệp, quyết định hiệu quả của các giải pháp kỹ thuật và công trình.

Về nguyên tắc, giải pháp phi công trình là toàn bộ những biện pháp làm phát huy các khả năng và hạn chế các biểu hiện dễ bị tổn thương của doanh nghiệp trong các lĩnh vực: nhân lực, cơ chế tổ chức, tài chính, nguyên nhiên liệu, sản phẩm, đối tác, mạng lưới, thị trường.

Một số giải pháp phi công trình trong QLRRTT, có thể là:

  • Nâng cao kiến thức, nhận thức và kỹ năng của công nhân viên trong doanh nghiệp về phòng ngừa và giảm nhẹ và khắc phục rủi ro thiên tai;

  • Bố trí nhân lực đầy đủ với cơ chế tổ chức phù hợp, trách nhiệm rõ ràng để đảm nhận nhiệm vụ ứng phó thiên tai;

  • Bố trí nguồn tài chính đầy đủ và ổn định để đảm bảo các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai được thực hiện tốt;

  • Đa dạng hóa nguồn cung cấp, bố trí nguồn nguyên, nhiên liệu dự phòng để đảm bảo không bị gián đoạn khi có thiên tai xảy ra;

  • Bố trí mùa vụ thích hợp, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kế hoạch dự trữ/bảo quản sản phẩm để có nguồn cung ổn định;

  • Đa dạng hóa các đối tác, chia sẻ rủi ro, hình thành mạng lưới tương trợ, hợp tác khi có thiên tai xảy ra;

  • Có tính đến yếu tố thiên tai khi lập kế hoạch phát triển thị trường nhằm đảm bảo tiêu thụ ổn định.

Nhóm giải pháp kỹ thuật và công trình

Nhóm giải pháp này tập trung vào việc tạo một môi trường vật lý an toàn nhất cho con người và các tài sản của doanh nghiệp. Nhóm giải pháp này bao gồm tất cả các biện pháp nhằm giảm thiểu các yếu tố dễ bị tổn thương và tăng cường khả năng của doanh nghiệp về cơ sở vật chất, nhà xưởng, kỹ thuật, công nghệ, chẳng hạn như:

  • Lựa chọn vị trí, địa hình an toàn cho các công trình xây dựng như nhà xưởng, của hàng, kho bãi, văn phòng điều hành, trạm y tế, trạm điện và khu ký túc xá công nhân….
  • Thiết kế các hệ thống sản xuất, các công nghệ hiện đại để làm tăng độ an toàn và bảo dưỡng cho các công trình xây dựng: văn phòng, nhà xưởng, kho tàng…
  • Có hệ thống cảnh báo với thiết kế phù hợp và được bảo dưỡng thường xuyên
  • Hệ thống thông tin liên lạc có thể vận hành thông suốt trước, trong và sau thiên tai
  • Hệ thống bảo quản, tạm trữ nguyên liệu, bảo quản, dự trữ sản phẩm
  • Hệ thống phương tiện vận chuyển đồng bộ và có phương tiện dự phòng
  • Chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị cứu trợ, cứu nạn
  • Áp dụng những nguyên tắc xây dựng phòng chống thiên tai
  • Có quy hoạch về sử dụng đất và tài nguyên hợp lý.
  • Tránh những nơi tập trung các yếu tố chịu rủi ro cao.

Ngoài ra, nếu cơ sở vật chất của doanh nghiệp không đủ khả năng chịu bão ở mức cao hơn dự kiến khi xây dựng công trình, các doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp gia cố. Các biện pháp này sẽ làm tăng khả năng chống chịu của công trình, nhà xưởng: bảo vệ cửa kính; bảo vệ cửa nhôm cuốn; bảo vệ cửa sổ; bảo vệ khung mái nhà khỏi bị tốc; bảo vệ mái – xà gồ; bảo vệ mái nhà; bảo vệ tôn quanh nhà; gia cố quả cầu thông gió.