Hỗ trợ cộng đồng phòng ngừa và ứng phó với thiên tai là cách hỗ trợ hiệu quả nhất nhằm giảm thiệt hại về vật chất, tài sản, và con người. Đặc biệt là những vùng bão lũ hàng năm và gây ra nhiều thiệt hại về con người (nhất là trẻ em).
Có 4 hình thức hỗ trợ mà các doanh nghiệp hay các nhà tài trợ có thể lựa chọn và thực hiện:
- Hỗ trợ xây dựng kế hoạch và các hoạt động phòng ngừa và ứng phó
- Cứu trợ khẩn cấp
- Hỗ trợ phục hồi ngắn hạn sau thiên tai
- Hỗ trợ phục hồi lâu dài
1. Hỗ trợ xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó
Hỗ trợ cộng đồng phòng ngừa và ứng phó với thiên tai là cách hỗ trợ hiệu quả nhất nhằm giảm thiệt hại về vật chất, tài sản, và con người, đặc biệt là những vùng thường bị bão lũ hàng năm và gây ra nhiều thiệt hại về con người (nhất là trẻ em).
QUỸ HỖ TRỢ PHÒNG TRÁNH THIÊN TAI MIỀN TRUNG
Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung được thành lập và chính thức ra mắt ngày 28/3/2009, tại TP Đà Nẵng. Quỹ là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận với mục đích hỗ trợ 14 tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. Quỹ thực hiện vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp và cộng đồng nhằm tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai tại các tỉnh miền Trung. Khác với các tổ chức khác, Quỹ kêu gọi hỗ trợ từ các doanh nghiệp tập trung vào việc phòng ngừa và tái thiết nhằm tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng với thiên tai.
Ngoài các hoạt động cứu trợ và hỗ trợ khẩn cấp sau thiên tai, năm 2011 và 2012, Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung đã phối hợp với UBND một số tỉnh miền Trung để xây dựng được những công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai và quy hoạch tái định cư cho người dân vùng lũ lụt tại các tỉnh như sau: Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Định, Quảng Ngãi, Nghệ An, Quảng Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng
Đặc biệt, Quỹ còn hỗ trợ chương trình trồng và bảo vệ rừng ngập mặn và phòng hộ tại tỉnh Thanh Hóa. Sáng ngày 07/02/2010, lãnh đạo Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung (gọi tắt là QMT) và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã ký kết hợp tác tài trợ đầu tư dự án trồng rừng phòng hộ ven biển Hậu Lộc với tổng dự toán lên đến 20 tỷ đồng (trong đó, QMT tài trợ đóng góp 16 tỷ đồng).
Hiện nay, Quỹ đang cùng với UBND tỉnh Quảng Trị xây dựng “Dự án trồng 100 ha rừng chắn cát ven biển”, có tác dụng chống hiện tượng “cát bay”, “cát nhảy”, bảo vệ các công trình giao thông, dân dụng và cải thiện môi trường.
Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung còn phối hợp Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB & TKCN) các tỉnh miền Trung tổ chức lớp tập huấn nâng cao kiến thức và năng lực phòng chống thiên tai cũng như trang bị phương tiện cho các đội xung kích, cứu hộ cứu nạn cấp thôn, xã trên địa bàn các tỉnh.
The Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung
2. Cứu trợ khẩn cấp
Bao gồm những hỗ trợ trong và sau thiên tai như: y tế, thức ăn, nước sạch và nơi trú ẩn, cung cấp, hỗ trợ những vật dụng và dụng cụ cần thiết khác để phục hồi. Đây là lĩnh vực nhận được sự quan tâm nhiều nhất từ trước đến nay. Chính vì vậy, không nên tập trung tất cả các nguồn hỗ trợ của doanh nghiệp trong giai đoạn này, cần có những hỗ trợ khắc phục ở những giai đoạn sau.
CÔNG TY VINAMILK
Nhiều năm qua, trong các đợt lũ lụt tại miền Trung, Vinamilk đã tổ chức các đoàn trực tiếp đến thăm hỏi, động viên và trao quà tận tay cho nhiều người dân các tỉnh miền Trung, mỗi năm đã trao nhiều tỷ đồng, ví dụ như: ủng hộ người dân miền Trung bị cơn bão số 9 năm 2009 tại 5 tỉnh Quãng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Kon Tum với số tiền là 1tỷ đồng và 1.836 suất quà.
Năm 2010, công ty đã hỗ trợ người dân 5 tỉnh Miền Trung: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế bị thiên tai với tổng số tiền là 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty phối hợp với Bộ GDĐT, Sở GDĐT và Tỉnh đoàn Quảng Bình hỗ trợ trực tiếp cho các em học sinh tiểu học gặp khó khăn tổng cộng 50 triệu đồng, cho các cá nhân tiêu biểu nhất khi cứu người trong bão lũ (mỗi cá nhân 2 triệu đồng), trao tặng 30 chiếc thuyền composite làm phương tiện hỗ trợ công tác cứu nạn trong lũ tại xã Cồn Đảo, Quảng Minh, Huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Trong năm 2012, Vinamilk đã tặng 70 thuyền cứu hộ có tổng trị giá gần 600 triệu đồng cho miền Trung. Đây là hoạt động hưởng ứng chương trình của Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung về việc thành lập các đội xung kích cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ thiết bị cho 7 tỉnh miền Trung: Bình Định, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Thanh Hoá, Ninh Thuận, Khánh Hoà và Phú Yên.
3. Hỗ trợ phục hồi ngắn hạn sau thiên tai
Là những hỗ trợ vào những tuần và tháng sau thiên tai ngay sau khi giai đoạn cứu trợ khẩn cấp đã qua đi. Giai đoạn này có thể vẫn cần đáp ứng những nhu cầu khẩn cấp như nhà ở, trường học tạm thời, khôi phục các dịch vụ và cơ sở hạ tầng ban đầu (dọn dẹp…).
CÔNG TY CỔ PHẦN VIỄN THÔNG FPT (FPT TELECOM)
FPT Telecom được thành lập năm 1997, thuộc Công ty Cổ phần FPT. Bên cạnh các hoạt động kinh doanh hiệu quả của mình, FPT còn làm rất tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và các hoạt động hỗ trợ cộng đồng thông qua chương trình “FPT vì cộng đồng”.
Tháng 03/2011, 3.000 cán bộ nhân viên FPT trên toàn quốc đã cùng tham gia ngày hội “FPT Vì Cộng đồng” 2011 với quyết tâm: “Mỗi người một hành động – mỗi đơn vị một chương trình vì Cộng đồng”. Từ năm 2010, ngày 13/3 hàng năm được FPT dành riêng là ngày vì Cộng đồng của toàn Tập đoàn. Với mục đích, nhân vên FPT cùng “chung tay giải quyết các vấn đề xã hội”, toàn FPT đã có 47 chương trình hành động và dự án cộng đồng được phát động và triển khai trên cả nước từ ngày 13/03. Một số hoạt động tiêu biểu của ngày hội là: Hiến máu nhân đạo, Làm sạch môi trường, Trao đổi đồ cũ, Tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã, Xây dựng tủ sách, sân chơi cho trẻ em tại Viện Nhi TW (tại Hà Nội), Đi bộ tiếp sức cộng đồng, Thăm và tặng quà cho 100 em nhỏ bị bại não (TP.HCM)…
Ngoài các hoạt động hỗ trợ cộng đồng rất thiết thực, FPT Telecom cũng tích cực ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt với sự tham gia tích cực của gần 2.000 cán bộ nhân viên FPT. Năm 2010, chương trình “FPT, Ngàn tấm lòng” được phát động từ ngày 13/03. Ngay trong lễ phát động, hơn 5.000 cán bộ và người dân thành phố Hồ Chí Minh đã đi bộ đồng hành hưởng ứng chương trình, FPT đã tài trợ 100 triệu đồng cho hội chữ thập đỏ thành phố Hồ Chí Minh.
Tháng 10/2010, FPT về thăm và tặng quà đồng bào bị bão lụt, đoàn công tác cứu trợ đã có mặt tại “rốn lũ” Quảng Bình để tặng 400 suất quà cho 2 xã Hưng Trạch và Sơn Trạch – một trong những địa phương phải gánh chịu nhiều thiệt hại nhất của Huyện Bố Trạch- Quảng Bình. Trong đó, Quỹ Đồng bào FPT trích 100 triệu đồng và 48 triệu được quyên góp từ CBNV FPT. Đặc biệt, sau lời kêu gọi của công ty, một số cá nhân đã ủng hộ mỗi người 10 triệu đồng để chuyển tới các địa phương bị tổn thất nặng nề nhất từ đợt lũ năm 2010. Cũng trong thời gian này, tập đoàn FPT đã tặng một chiếc cano chống lũ cho huyện Hương Khê – địa phương bị thiệt hại nặng bởi lũ của tỉnh Hà Tĩnh.
Không những hỗ trợ cộng đồng trong nước, FPT còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái với cộng đồng nước ngoài khi bị thiên tai. Cụ thể: tháng 3/ 2011 tập thể nhân viên FPT quyên góp 3.2 tỷ đồng ủng hộ Nhật Bản trong trận động đất sóng thần góp phần hỗ trợ khó khăn với nhân dân Nhật Bản.
4. Hỗ trợ phục hồi lâu dài và tăng khả năng chống chịu của cộng đồng
Những giai đoạn này thường tính theo thời gian những năm sau đó. Các hoạt động này bao gồm đào tạo và khôi phục sinh kế, xây lại nhà cửa kiên cố, trường học kiên cố và hỗ trợ tâm lý. Giai đoạn này không những chỉ tập trung khôi phục những thiệt hại sau thiên tai mà còn giải quyết những vấn đề còn tồn tại trước đó của cộng đồng.
SÁNG KIẾN CỦA HỘI DOANH NHÂN TRẺ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG DỰ ÁN “BÃO KHÔNG VÀO ĐÀ NẴNG”
Để giúp người dân có thể sống chung an toàn với bão lũ, Hội doanh nghiệp trẻ thành phố Đà Nẵng thực hiện dự án “Bão không vào Đà Nẵng”, với mục tiêu rất cụ thể là kêu gọi đội ngũ trí thức trẻ, doanh nghiệp nghiên cứu, thảo luận và đề xuất giải pháp phòng bão một cách hiệu quả, an toàn nhất cho từng ngôi nhà trong thành phố. Nhóm hội viên DN trẻ thành lập một diễn đàn mở trên website: http://www.baokhongvaodanang.org để kêu gọi trí thức, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư xây dựng với khả năng chuyên môn hiện có, tiến hành khảo sát kết cấu toàn bộ nhà dân trong địa bàn đã bố trí DN, sau đó có đề xuất, tư vấn giải pháp xây dựng, gia cố nhà cửa làm sao để những ngôi nhà cấp 4 có thể chống chọi được với bão cấp 12 trở lên. Những gia đình không có khả năng thực hiện các giải pháp gia cố phòng tránh bão, Hội sẽ kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ trong quá trình thực hiện các giải pháp.
Ngoài việc tư vấn, Hội DNT Đà Nẵng tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân để từng nội dung tư vấn đó được triển khai thực hiện, để người dân Đà Nẵng luôn ở tâm thế sẵn sàng trong bão.
Những hoạt động hỗ trợ cho đến nay
Hội doanh nghiệp trẻ thành phố kết hợp với các bên liên quan đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ cộng đồng như: Cẩm Lệ – Thanh Khê với kinh phí 300 triệu đồng, triển khai vào tháng 12 năm 2011; Nâng cấp và sửa chữa nhà thuộc diện nghèo tại huyện Hòa Vang – Đà Nẵng; Giúp đỡ sửa chữa và gia cố nhà ở cho khu dân nghèo Quảng Nam; Giới thiệu hệ thống thông tin vệ tinh trên biển cho ngư dân; Nâng cấp và sửa chữa nhà khu vực dân cư trong tháng 12 năm 2011. Ngoài ra cũng tháng 12 năm 2011, Hội cũng đã hỗ trợ: Xây dựng gần 100 ngôi nhà Đại đoàn kết cho các gia đình thuộc diện hộ nghèo, tại Thôn Xuân Phú, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng với kinh phí lên tới 900 triệu đồng. Bên cạnh những hoạt động trên, Hội còn kết hợp với bộ đội công binh tổ chức các buổi diễn tập phòng chống bão nhằm giúp người dân chủ động và bình tĩnh hơn trong việc ứng phó với thiên tai, đặc biệt là bão lũ.