Quỹ phòng chống thiên tai mạnh ai nấy làm ?
“Quỹ phòng chống thiên tai dựa vào nguồn lực đóng góp tự nguyện nhưng vấn đề hiện tại là mạnh ai nấy làm, dẫn đến chỗ được hỗ trợ nhiều lần, chỗ lại không” – Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển chỉ rõ.
Thảo luận về dự án Luật phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu không đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật đến cả phần nội dung tái thiết sau thiên tai.
Trong khi đó, Chủ nhiệm UB Khoa học-Công nghệ-Môi trường Phan Xuân Dũng lập luận, tái thiết sau thiên tai cũng thuộc phạm trù khắc phục hậu quả thiên tai, nhưng có nội hàm rộng, việc tái thiết là hoạt động lâu dài và liên quan đến nhiều quy định pháp luật khác như quy định về quy hoạch, quy hoạch đô thị, về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường…
Hơn nữa, trong điều kiện Việt Nam, thiên tai xảy ra thường xuyên, nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống thiên tai còn hạn chế. Do vậy, dự thảo Luật chỉ điều chỉnh đến hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai, còn quy mô, mức độ khắc phục sẽ phụ thuộc vào năng lực, điều kiện cụ thể của Trung ương và từng địa phương.
Hoạt động hỗ trợ, cứu trợ người dân gặp thiên tai hiện còn nhiều tự phát, chồng chéo.
Về nguồn lực cho phòng chống thiên tai, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng chỉ quy định Quỹ Phòng, chống thiên tai. Quỹ này không bao gồm ngân sách Nhà nước và chỉ được thành lập ở cấp tỉnh. Dự thảo cũng quy định nguồn tài chính, cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ và giao Chính phủ quy định việc thành lập, đối tượng đóng góp, mức đóng góp, đối tượng được miễn, giảm đóng góp, việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán.
Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận định, nhiều quy định trong dự thảo luật này “vừa thiếu, vừa thừa, vừa có độ vênh so với pháp luật về tài chính”. Ông Hiển nói thêm: “Tuy nhiên, Luật nên có quy định điều phối nguồn lực đóng góp tự nguyện từ xã hội sao cho đảm bảo tính công bằng, hiệu quả vì hiện nay vẫn có tình trạng mạnh ai nấy làm, dẫn đến chỗ được hỗ trợ nhiều lần, chỗ lại không”.
Tán thành quan điểm này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nhận định, nguồn hình thành quỹ như quy định trong dự thảo vẫn chưa rõ ràng. “Nghĩa vụ tài chính bắt buộc phải coi là thuế hay phí? Mà nếu vậy thì giao cho Chính phủ là không đúng”, ông Lý phân vân.
Về vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân trong phòng, tránh thiên tai, nhiều ý kiến cho rằng, không nên quy định trong Luật vai trò chủ lực của lực lượng vũ trang nhân dân vì chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này là bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hộiTrương Thị Mai băn khoăn, quy định vai trò chủ lực của lượng vũ trang trong phòng, tránh thiên tai không thích hợp, nhưng nếu quy định lực lượng vũ trang chỉ tham gia vào hoạt động này thì cũng không thể hiện được hết vai trò quan trọng của đội quân hùng hậu này. Bà Mai cũng đề nghị bổ sung thêm 2 lực lượng đã và đang đang tham gia hiệu quả vào hoạt động phòng, tránh thiên tai hiện nay đó là lực lượng chữ thập đỏ và Mặt trận Tổ quốc.
Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cũng nêu quan điểm đề cao vai trò của lực lượng tại chỗ và đề nghị cần thể hiện rõ, làm nổi bật vai trò của lực lượng này trong phòng, tránh thiên tai.
Cũng trong ngày 15/1, UB Thường vụ cho ý kiến về dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Dự thảo luật do Chính phủ trình bỏ quy định Trường đại học, học viện, trường cao đẳng là tổ chức khoa học và công nghệ. Cơ quan thẩm tra dự án Luật, UB Khoa học- Công nghệ-Môi trường lại cho rằng, một số cơ sở giáo dục đại học được thành lập và hoạt động theo Luật Giáo dục đại học như các đại học quốc gia, bên cạnh chức năng đào tạo là chủ yếu, còn có chức năng nghiên cứu khoa học. Các trường đại học có tiềm lực mạnh về Khoa học và Công nghệ hoạt động nghiên cứu khoa học được thực hiện bởi tất cả các khoa và các giảng viên.
Việc coi đại học có chức năng nghiên cứu là tổ chức khoa học và công nghệ sẽ huy động được nguồn lực, cơ sở vật chất của các trường đại học vào nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới, là gắn kết giữa nghiên cứu với đào tạo, coi trọng hoạt động nghiên cứu trong các trường đại học và xây dựng các trường đại học theo chuẩn mực quốc tế.
Về cơ chế tài chính, dự thảo mới đã được chỉnh sửa theo hướng Nhà nước bảo đảm chi cho khoa học và công nghệ từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp khoa học và công nghệ. Để khắc phục điểm nghẽn chủ yếu hiện nay trong hoạt động khoa học và công nghệ là cơ chế tài chính, Dự thảo mới đã chỉnh sửa, quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ và cơ quan trong việc phân bổ và quản lý ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ, quy định rõ mục đích sử dụng ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ; áp dụng cơ chế khoán chi cho các hoạt động khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và quy định rõ cơ chế cấp, sử dụng, quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
P.Thảo
Dantri