Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa từ trước đến nay chưa có bão hay lốc lớn, mà chủ yếu bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây mưa to. Chính điều này dẫn đến sự chủ quan của người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, Nhà máy thức ăn chăn nuôi Khánh Hòa vẫn xác định lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai là một công việc hết sức quan trọng giúp nhà máy có thể chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống rủi ro khác. Mặt khác lãnh đạo nhà máy cũng coi đây là một cách thiết thực nhất để thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với xã hội và cộng đồng (bảo vệ sự đầu tư của doanh nghiệp và sự an toàn của người lao động).
Hàng năm thường vẫn có những đợt mưa lớn nhiều ngày, cùng với nước mưa trên thượng nguồn đổ về qua sông Cái, sông Dinh gây lũ lụt tại các địa phương vùng hạ lưu sông. Địa điểm đặt Nhà máy ở vị trí cao, thoát nước tốt, nên không bị ảnh hưởng của lũ lụt. Tuy nhiên, nếu mưa to các đập chứa nước phải xả lũ thì sẽ gây ngập cục bộ ở quốc lộ 26, đường vào Nhà máy, cũng như các vùng dân cư phụ cận nơi có nhà ở của nhiều cán bộ công nhân viên (CB-CNV) của Nhà máy, gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp.
Về cơ bản nhà máy có hệ thống xử lý nước thải riêng, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và xây dựng hệ thống nhà xưởng kiên cố, mái tôn dày có thể chịu bão cấp 9, cấp 10. Hiện tại nhà máy đang xây dựng dự án khảo sát và thiết kế hệ thống kho ngầm, sẽ tránh được gió lốc (Hệ thống kho silo).
Đặc điểm nổi bật của nhà máy thức ăn chăn nuôi Khánh Hòa là: ý thức trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp đối với các hoạt động liên quan đến công tác QLRRTT khá tốt, đầu tư nâng cấp nhà xưởng, sắp xếp kho bãi hợp lý, và thực hiện các biện pháp được khuyến nghị và có trách nhiệm với người lao động và cộng đồng.
Nhà máy Thức ăn Chăn nuôi Khánh Hòa
Thiết lập đội phòng chống bão, trực 24/24.
Sau khi đánh giá mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp vào tháng 8 năm 2012, doanh nghiệp cũng xác định cần có những kế hoạch về sử dụng nhà xưởng, kho bãi, danh sách người chịu trách nhiệm từng việc cụ thể, các số điện thoại cần thiết, các số dự phòng ngoài vùng ảnh hưởng trước và sau khi thiên tai gây ra.
Trong tình huống khẩn cấp cần có sẵn danh mục các thiết bị và vật tư dự phòng. Kế hoạch hàng năm cần được củng cố thêm. Cụ thể, nhà máy đã xác định các hoạt động cần thiết trong kế hoạch phòng ngừa và ứng phó của doanh nghiệp:
- Duy trì đường sá và dọn dẹp chướng ngại vật;
- Hướng dẫn sử dụng đường tự quản;
- Bảo vệ thiết bị và dữ liệu cần thiết;
- Phân công nhiệm vụ trong trường hợp khẩn cấp và có kế hoạch khôi phục sau thiên tai;
- Báo cáo diễn biến cho cơ quan chịu trách nhiệm chính;
- Lập danh mục điện thoại khẩn cấp khi cần thông báo;
- Hệ thống thông tin liên lạc dự phòng;
- Bảo vệ hệ thống cấp thoát nước; tham gia các hoạt động hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai tại địa phương;
- Thông báo, hướng dẫn cho người lao động ứng phó với mưa bão;
- Kế hoạch huy động người lao động hỗ trợ tiền và hiện vật hỗ trợ cho cộng đồng dân cư trong khu vực bị ảnh hưởng bởi bão, hàng năm;
- Hoạt động bảo vệ, khôi phục môi trường sau khi thiên tai xảy ra, trồng lại cây xanh trong khuôn viên và xung quanh nhà máy.
Các hoạt động DN đã tham gia để chuẩn bị ứng phó với thiên tai trong thời gian qua:
- Cử người tham gia các khóa tập huấn về QLRRTT;
- Lên kế hoạch cần làm trong các tình huống khẩn cấp cho nhân viên trong doanh nghiệp;
- Xây dựng kế hoạch và có hướng dẫn cần thiết cho các bộ phận và nhân viên về các bước chuẩn bị ứng phó trước và sau thiên tai;
- Mua bảo hiểm bão lũ;
- Lên danh sách các thiết bị và vật tư dự phòng trong bão lũ;
- Xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp cho doanh nghiệp trong bão lũ;
- Xây dựng kế hoạch khôi phục khẩn cấp cho doanh nghiệp sau bão lũ.
Qua quá trình lập kế hoạch, Nhà máy chia sẻ một số kinh nghiệm với các đơn vị trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi:
Ngành nghề kinh doanh của Nhà máy là chế biến thức ăn chăn nuôi, nên nguyên liệu chủ yếu là các loại nông sản, rất nhạy cảm với môi trường ẩm, ướt. Vì vậy, nếu không có kế hoạch ứng phó tốt thì thiệt hại sẽ rất lớn khi thiên tai xảy ra. Cho nên các doanh nghiệp trong ngành chế biến thức ăn chăn nuôi cần lưu ý: kho tàng bảo quản nguyên liệu và thành phẩm cần phải thông thoáng và đảm bảo chắc chắn, không dột, không được ngập đọng nước. Các phương tiện vận chuyển phải kín nước, khô ráo.
Khách hàng của doanh nghiệp chủ yếu nằm ở khu vực miền Trung, nơi chịu nhiều thiên tai bão lụt. Trong khi đó, sản phẩm của Nhà máy là thức ăn sống hàng ngày cho vật nuôi. Vì vậy, phương án cung cấp sản phẩm đầy đủ, đúng hẹn cho khách hàng là tối quan trọng. Hơn nữa, việc hỗ trợ các đối tác, bạn hàng, nhà cung cấp, nhất là các đại lý cùng xây dựng kế hoạch cũng rất quan trọng cho các doanh nghiệp thuộc ngành này.
Kho xưởng của nhà máy
Những nguồn lực mà doanh nghiệp cần đầu tư (tài chính và nhân lực):
Do nguyên vật liệu của ngành chế biến thức ăn chăn nuôi rất dễ bị tổn thương với rủi ro thiên tai (nhất là bão lụt), các công trình xây dựng chính của Nhà máy như văn phòng làm việc, nhà xưởng, kho tàng phải tốt, đảm bảo ổn định chịu được bão và lụt xảy ra ở khu vực. Nếu có khả năng cần đầu tư xây dựng silo chứa (Tổng kinh phí đầu tư dự kiến 10 tỷ đồng) thì hệ thống kho tàng sẽ đảm bảo an toàn trong điều kiện bảo, lụt xảy ra.
Hàng năm, nguồn lực tài chính đầu tư cho hoạt động phòng chống bão khoảng 6.000.000đ/năm cho 1 đợt bão (số cơn bão đổ bộ nhiều lên thì kinh phí sẽ tăng thêm). Về nhân lực huy động khoảng 30 người thường trực, số không thường trực khoảng 70 người (theo quy mô hiện tại của nhà máy Thức Ăn Chăn nuôi Khánh Hòa.)
Hỗ trợ nhân viên và gia đình chuẩn bị phòng ngừa và ứng phó:
Phổ biến kế hoạch đến người lao động, tổ chức tập huấn phương án phòng chống bão lụt, trang bị công cụ, dụng cụ, các trang thiết bị bảo hộ lao động đảm bảo an toàn. Trước khi có thiên tai, cần tìm hiểu nhu cầu của các CB-CNV xem có ở trong vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai và đánh giá điều kiện kinh tế, ăn, ở, sinh hoạt của CB-CNV trong vùng bị ảnh hưởng, để có phương án sản xuất kinh doanh của Nhà máy, đồng thời cũng sẵn sàng có sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần.
Sau khi xảy ra thiên tai: Nhà máy cũng đã nắm bắt thông tin tình hình thiệt hại của mỗi CB-CNV để có hình thức hỗ trợ giúp đỡ phù hợp, như thăm hỏi, quyên góp hỗ trợ vv…
Hỗ trợ cộng đồng:
Đối với cộng đồng: hằng năm, sau khi xảy ra thiệt hại do thiên tai, Nhà máy thường tham gia ủng hộ về tiền, lương thực thiết yếu, vật chất khác… thông qua tổ chức cứu trợ hoặc trực tiếp theo kêu gọi từ Tổng công ty mẹ.
Tải bản kế hoạch chi tiết tại đây.