Báo cáo sơ bộ thiệt hại bão Nari của doanh nghiệp tham gia dự án “Tăng cường hợp tác công tư trong Quản lý rủi ro thiên tai”

BY ON 18-01-2014 IN Tin liên quan Comments Off

BÁO CÁO SƠ BỘ THIỆT CỦA DOANH NGHIỆP THAM GIA DỰ ÁN “TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC CÔNG TƯ TRONG QUẢN LÝ RỦI RO THIÊN TAI”

I. Giới thiệu qua về cơn bão Nari:

06h sáng ngày 15/10 cơn bão số 11 (tên quốc tế là Nari) đã đi vào đất liền các tỉnh Đà Nẵng – Quảng Nam và tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Nam. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã có gió giật mạnh cấp 6 – 11, vùng gần tâm bão đi qua gió giật mạnh cấp 12 – 14. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 6-9; các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió giật mạnh cấp 10-12. Tâm bão đi vào thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam nên cả hai địa phương này bị ảnh hưởng rất nặng nề. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là cơn bão hiếm thấy, xét về mức độ ảnh hưởng và thời lượng. Thời gian quần đảo của bão khá lâu, đến gần 24h trên địa bàn Đà Nẵng – Quảng Nam. Sức gió tương đương cơn bão Xangsane từng đổ bộ vào Đà Nẵng năm 2006, nên gây ra khá nhiều thiệt hại cho các tỉnh, thành Đà Nẵng và Quảng Nam…

Để đánh giá  sơ bộ về tác động của các khóa đào tạo “ Lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai (QLRRTT) cho doanh nghiệp” do VCCI-Đà Nẵng phối hợp với Quỹ Châu Á  tổ chức tại Đà Nẵng và Quảng Nam (nơi tâm bão của Nari đi qua) trong công tác ứng phó RRTT của doanh nghiệp, VCCI-Đà Nẵng đã tiến hành khảo sát nhanh 55 doanh nghiệp. (trong đó: Đà Nẵng 40 doanh nghiệp, Quảng Nam: 15 doanh nghiệp).

II. Tổng hợp thiệt hại của doanh nghiệp tại 2 tỉnh/ thành Đà Nẵng và Quảng Nam:

1. Thiệt hại của doanh nghiệp tại Đà Nẵng: Trong 40 doanh nghiệp tại Đà Nẵng được khảo sát thì có 6 doanh nghiệp bị thiệt hại, chiếm tỷ lệ 15% với tổng giá trị thiệt hại là 8.670.000.000 đồng. Doanh nghiệp bị thiệt hại lớn nhất là Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC): 7.000.000.000 đồng, thấp nhất là 30 triệu đồng. Các doanh nghiệp khác cho biết họ không bị thiệt hại hoặc bị thiệt hại nhưng không đáng kể. Đối với công ty DRC thiệt hại chủ yếu là nguyên liệu. Do công ty lưu giữ nguyên liệu tại kho mới chưa hoàn thiện, vì vậy khi bão đổ bộ vào, doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn về nguyên liệu.

2. Thiệt hại của doanh nghiệp tại Quảng Nam: Qua  khảo sát 15 doanh nghiệp tại Quảng Nam, có 3 doanh nghiệp bị thiệt hại, chiếm 20% với tổng giá trị thiệt hại là 23 tỷ 100 triệu đồng. Thiệt hại nhiều nhất là Công ty Điện lực Quảng Nam với giá trị 23 tỷ đồng, ít nhất là 50 triệu đồng. Các doanh nghiệp khác cho biết họ không bị thiệt hại hoặc thiệt hại không đáng kể. Đối với trường hợp Công ty Điện lực Quảng Nam, tổn thất chủ yếu là hệ thống truyền tải điện. Hiện tại, do đặc thù ngành, công ty cũng chưa có giải pháp nào giảm giá trị thiệt hại về lưới điện khi có bão lớn.

 

Hình ảnh nhà xưởng bị tốc mái của 1 Công ty ở Quảng Nam

III. Đánh giá về việc áp dụng kiến thức về QLRRTT được đào tạo tại doanh nghiệp:

Các doanh nghiệp đánh giá cao kết quả đầu ra của dự án. Hầu hết các doanh nghiệp cho biết là đã áp dụng kiến thức được học vào ứng phó với cơn bão Nari vừa qua: có 51 doanh nghiệp, chiếm 92,7%, được hỏi cho biết mình đã áp dụng kiến thức học được. Trong đó, Đà Nẵng có 37 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 92,5%; Quảng Nam có 14 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ  93,3%. Đa số doanh nghiệp cho rằng: doanh nghiệp đã giảm thiểu thiệt hại do bão Nari gây ra khi áp dụng kiến thức được học vào thưc tế. Về mức độ vận dụng kiến thức được học vào thực tế: Doanh nghiệp vận dụng ở nhiều mức độ khác nhau, phụ thuộc vào nguồn lực, tính dễ bị tổn thương, nhận thức của lãnh đạo…ở từng doanh nghiệp. Nhìn chung, doanh nghiệp đánh giá rất tích cực, rằng kiến thức đã học đã giúp ích cho họ nhiều. Doanh nghiệp cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với Dự án, VCCI, Quỹ Châu Á, USAID. Một số doanh nghiệp cho rằng, họ giảm được thiệt hại rất nhiều so với doanh nghiệp cùng ngành, cùng điều kiện nhờ áp dụng kiến thức được học vào thực tế. Hầu như các doanh nghiệp đều có mua bảo  hiểm (76,4%). Trong đó, Đà Nẵng đạt tỷ lệ 77,5%, Quảng Nam 73,4%. Do vậy, sau bão, doanh nghiệp có khả năng đảm bảo được  nguồn tài chính để khắc phục thiệt hại. Tuy nhiên, nguồn tài chính do các công ty bảo hiểm chi trả cho doanh nghiệp còn phụ thuộc vào mức mua bảo hiểm, hình thức mua bảo hiểm của doanh nghiệp…

Qua đây, cũng cho thấy cần phải giới thiệu sâu hơn về bảo hiểm RRTT cho doanh nghiệp tại các khóa học để doanh nghiệp có thể vận dụng một cách hiệu quả loại hình bảo hiểm này.

Trích: tổng hợp thiệt hại của các doanh nghiệp tham gia lớp học “Lập kế hoạch QLRRTT cho doanh nghiệp” do VCCI Đà Nẵng phối hợp với Quỹ Châu Á  tổ chức.

Nguồn: VCCI